Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và thí sinh (TS) tỏ ra bức xúc khi yêu cầu của mình không được các trường chấp nhận.
Vì trường quân đội hạ điểm bổ sung
Cuối giờ sáng 23.8, có mặt ở khu vực nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi chứng kiến cuộc cãi vã khá gay gắt giữa một số phụ huynh và cán bộ tuyển sinh nhà trường. Một phụ huynh quê ở Chương Mỹ, Hà Nội cho biết con họ được 23,5 điểm, đã nộp giấy chứng nhận kết quả vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau khi không đỗ Trường Sĩ quan công binh. Hôm 22.8, một loạt trường quân đội thông báo tuyển sinh bổ sung, trong đó có Trường Sĩ quan công binh với mức điểm nhận hồ sơ khối A nam phía bắc chỉ 18 (rất thấp so với điểm chuẩn 23,5 trường này công bố đợt 1).
Một phụ huynh khác quê ở Lục Nam, Bắc Giang (có con đạt 24,75 điểm) mất bình tĩnh, liên tục tuyên bố nhà không có điều kiện cho con đi học đại học, phải rút giấy chứng nhận kết quả về để đi học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động. Về sau, vị phụ huynh này chia sẻ với phóng viên Thanh Niên là ông muốn cho con xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự do trường này thông báo mức điểm nhận hồ sơ tuyển sinh bổ sung là 24, dù điểm chuẩn đợt 1 là 26,5.
tin liên quan
Điểm trúng tuyển bổ sung có giảm?Dù chỉ tiêu tuyển bổ sung cao nhưng đại diện nhiều trường tham gia buổi tư vấn chiều qua tại Báo Thanh Niên vẫn cho rằng thí sinh (TS) cần có sự cân nhắc kỹ nếu có điểm thi bằng điểm nhận hồ sơ.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong ngày 23.8 ông đã tiếp hàng chục trường hợp tương tự. Hầu hết đều có nguyện vọng rút giấy chứng nhận kết quả với hy vọng trúng tuyển vào các trường quân đội!
Ông Điền còn cho biết một số trường quân đội đã hạ điểm chuẩn, nghĩa là TS ở mức điểm đó trở lên nộp hồ sơ vào là trúng tuyển luôn, chứ không đợi hết đợt xét tuyển bổ sung. “Chỉ trong thời gian rất ngắn hạ điểm chuẩn xuống nhiều như thế là rất không chuyên nghiệp trong công tác tuyển sinh”, ông Điền nhận xét.
Hệ lụy khi các trường hạ điểm chuẩn
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho biết phải tiếp một số phụ huynh muốn rút lại giấy chứng nhận kết quả thi của con mình đã nộp vào trường này. Tất cả những trường hợp xin rút đều muốn được xét tuyển bổ sung vào các trường quân đội. “Tôi nói rằng trường đã đăng nhập dữ liệu của TS trúng tuyển lên hệ thống, vì thế việc cho cháu rút hay không không thuộc thẩm quyền của trường nữa”, ông Triệu giải thích.
Ông Nguyễn Phong Điền cũng cho biết: “Sau khi trường nhập dữ liệu của những TS đã nộp giấy chứng nhận kết quả lên hệ thống chung, mã xét tuyển của TS bị vô hiệu hóa trong các đợt xét bổ sung. Vì thế, nếu TS rút ra khỏi Trường Bách khoa thì sẽ không còn cơ hội nhập học trong hệ thống các trường dùng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh”.
tin liên quan
Tư vấn truyền hình trực tuyến: Rộng cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sungSau khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, bất ngờ dù mức điểm chuẩn
khá cao nhưng nhiều trường, kể cả những trường tốp đầu, vẫn phải xét
tuyển bổ sung với điểm nhận hồ sơ thấp hơn đợt 1.
Theo ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, thì việc các trường đưa ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ trong đợt xét tuyển bổ sung thấp hơn điểm chuẩn được công bố đợt 1 là rất dở. Mặc dù năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường định điểm chuẩn đợt sau thấp hơn đợt trước nhưng xét về lợi ích của từng trường cũng như toàn hệ thống thì điều này rất không nên.
“Việc hạ điểm sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất là tạo sự mất công bằng, đặc biệt là khi trường không giải thích được với TS điểm cao hơn nhưng đã trượt ở đợt 1 là tại sao các em trượt mà bạn điểm thấp hơn lại đỗ. Thứ hai là ảnh hưởng tới những trường cùng tham gia một cuộc chơi tuyển sinh chung với mình, gây rối loạn hệ thống”, ông Thạc phân tích.
Không được rút giấy chứng nhận kết quả thi
Trả lời Báo Thanh Niên vào tối qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng trong quá trình soạn thảo quy chế Bộ GD-ĐT các trường đã bàn rất kỹ về hệ lụy của việc các trường định điểm chuẩn đợt sau thấp hơn đợt trước. Năm nay, do tính chất ảo cao hơn hẳn so với thời kỳ “3 chung” trước đây, nên Bộ phải cho phép các trường thực hiện điều đó để việc tuyển đủ chỉ tiêu dễ dàng hơn dù phải dùng đến các đợt bổ sung. Bù lại, quy chế cũng đã cho TS rất nhiều quyền lợi. TS có cơ hội trúng tuyển cùng lúc 2 trường, việc chọn trường nào là tự TS quyết nhưng khi đã quyết thì không được rút ra.
Về việc “một TS trượt ngành A nhưng lại trúng ngành B của cùng một trường ở đợt 1, đến đợt bổ sung trường đó hạ điểm chuẩn ngành A thì liệu TS có được phép chuyển về ngành A học hay không?”, ông Ga trả lời: “Trước mắt các trường phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, không cho phép bất kỳ TS nào được rút giấy chứng nhận kết quả để tránh sự lộn xộn. Sau khi đã làm xong công tác tuyển sinh, nếu trường thấy cần thiết phải điều chỉnh một số trường hợp trong nội bộ của chính trường mình thì có thể báo cáo để Bộ GD-ĐT xem xét”.
|
|
Bình luận (0)