Quy định không bắt buộc sinh viên mặc đồng phục: Trường chấp hành, trường không

05/10/2013 03:10 GMT+7

Đầu năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ và TCCN không được bắt buộc sinh viên, học sinh mặc đồng phục khi đến trường. Tuy nhiên, đến nay các trường thực hiện quy định này khác nhau.

Đầu năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ và TCCN không được bắt buộc sinh viên, học sinh mặc đồng phục khi đến trường. Tuy nhiên, đến nay các trường thực hiện quy định này khác nhau.

  Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM
Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM mặc đồng phục của trường chiều 4.10 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phớt lờ quy định

Trong Cẩm nang sinh viên ĐH và CĐ chính quy năm học 2012 - 2013 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sinh viên (SV) phải mặc đồng phục vào hai ngày trong tuần. Ngày thứ hai, nữ mặc áo dài, nam mặc áo sơ mi trắng dài tay và quần sẫm màu. Thứ sáu, SV phải mặc áo sơ mi vàng tay lửng, nữ mặc váy màu đen và nam mặc quần sẫm màu. Đồng thời, trường quy định SV không được mặc áo thun không cổ, không đi dép lê khi đi học và ra vào trường, cấm SV mặc đồng phục thể dục vào trong lớp học... Nhiều SV bất bình trước một số điều vô lý trong quy định về đồng phục của trường. Báo Thanh Niên cũng đã phản ảnh vấn đề này trong loạt bài Biến tướng đồng phục đăng vào ngày 3.9. Ngày 6.9, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường không được bắt buộc SV mặc đồng phục khi đến trường. Cũng theo văn bản này, các trường có thể ban hành quy định cụ thể về trang phục SV nhằm đảm bảo sự nghiêm túc của môi trường giáo dục nhưng không gò bó, gây khó khăn cho SV.

Tuy nhiên, phớt lờ quy định trên, ngày 12.9 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vẫn ra thông báo sẽ tiếp tục duy trì thực hiện quy định trang phục của SV chính quy. Thông báo này ghi rõ: “Nhà trường đề nghị tất cả SV hệ chính quy nghiêm túc thực hiện quy định về trang phục SV; mặc đồng phục vào thứ hai và thứ sáu”. Những quy định của trường hầu như không thay đổi sau khi đã có văn bản chỉ đạo của Bộ.

Điều chỉnh nội quy

Ngược lại, nhiều trường nhanh chóng điều chỉnh lại nội quy trang phục SV.

Chẳng hạn, ngày 26.8, Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn đã ra thông báo yêu cầu SV của khoa phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Trong đó, SV từ năm nhất đến năm ba phải đăng ký tối thiểu hai áo sơ mi và một váy (với nữ). SV năm cuối phải đăng ký một áo sơ mi và một váy (nữ). Cũng trong thông báo của khoa, vì đồng phục mới chất lượng và mẫu mã tốt hơn nên khoa khuyến khích... SV mua nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ có quy định mới đồng phục, trường đã ra thông báo mới không bắt buộc SV mặc đồng phục. Nói về văn bản này, thạc sĩ Hoàng Minh Tâm, Trưởng phòng Công tác học sinh, SV, cho biết: “Thực hiện đúng tinh thần của Bộ, trường không bắt buộc SV phải mua đồng phục (trừ đồng phục môn giáo dục thể chất). Tuy nhiên, tùy thuộc vào các khoa chuyên môn, nếu có sự thỏa thuận giữa khoa và SV thì sẽ được tiến hành”.

Theo quy định trước đây, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phải mặc đồng phục trong cả giờ học lý thuyết, ở phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và khi học môn giáo dục thể chất. Với các môn học lý thuyết trên giảng đường, SV phải mặc áo sơ mi trắng ngắn tay có in logo của trường. Đến nay, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, thực hiện đúng quy định của Bộ, trường chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc SV phải mua đồng phục môn lý thuyết, miễn sao trang phục lịch sự và đàng hoàng. Tuy nhiên, SV vẫn phải tuân thủ quy định đồng phục thể dục, trang phục và bảo hộ lao động trong giờ thực hành và thí nghiệm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng thông tin: “Trường chỉ quy định đồng phục cho một số khoa trong giờ thực hành tại xưởng nhằm đảm bảo an toàn. Với các giờ học lý thuyết, SV được mặc trang phục tự do nhưng phải đảm bảo môi trường sư phạm”.

Hân Trân

>> Nghiêm cấm bày vẽ, gây tốn kém về đồng phục
>> Đồng phục học đường: Bộ không bắt buộc, trường đổi xoành xoạch
>> Bộ GD-ĐT yêu cầu chấn chỉnh đồng phục học sinh
>> Học sinh, sinh viên không phải mặc đồng phục đến trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.