Đồng phục học đường: Bộ không bắt buộc, trường đổi xoành xoạch

10/09/2013 16:00 GMT+7

(TNO) Bộ GD-ĐT vừa ra văn bản 'không bắt buộc học sinh phổ thông mặc đồng phục hằng ngày'. Trên thực tế, nhiều trường tại TP.HCM đã có đồng phục riêng, đủ màu, đủ kiểu, từ đầu tháng 8.

(TNO) Bộ GD-ĐT vừa ra văn bản chỉ đạo không bắt buộc học sinh phổ thông mặc đồng phục hằng ngày đến trường. Trên thực tế, nhiều trường tại TP.HCM đã có đồng phục riêng, đủ màu, đủ kiểu, từ đầu tháng 8. 

 
Đồng phục đủ sắc màu ở các trường học tại TP.HCM

>> Bộ GD-ĐT yêu cầu chấn chỉnh đồng phục học sinh
>> Bộ GD-ĐT không cấm giáo viên mặc váy 

Vàng đến xanh: Do phụ huynh "chê" quá?

Năm học này, Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Q.6) đổi đồng phục từ màu vàng (năm ngoái) thành màu xanh.

Chị Tâm, một phụ huynh của trường, cho biết: “Năm trước đó đồng phục màu vàng nhạt, năm sau màu vàng đậm, đến năm nay thì chuyển hẳn màu xanh”.

Nhiều phụ huynh được giải thích là khi chuyển sang màu vàng đậm, nhiều học sinh vẫn mặc đồng phục cũ đi học thay vì mua đồng phục mới nên trường chuyển hẳn sang màu xanh.


Đồng phục màu xanh của năm nay thay cho màu vàng năm 2012, của học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, Q.6, TP.HCM

Màu vàng đậm với vàng nhạt có thể nhầm lẫn chứ màu xanh với màu vàng thì không thể hòa nhau được. Đồng phục năm ngoái cháu còn mặc vừa nhưng năm nay phải mua mới hoàn toàn”, một phụ huynh nói thêm.

Một áo sơ mi ở đây giá 130 ngàn đồng/cái. Thông thường mỗi phụ huynh sẽ phải mua khoảng 3 cái cho con mặc luân phiên trong tuần.

Được biết, những học sinh mặc áo xanh là học sinh học bán trú, trong khi đó, học sinh một buổi mặc áo trắng.

Trả lời về vấn đề thay đổi đồng phục, ông Huỳnh Thanh Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, cho rằng do phụ huynh, học sinh “chê quá” nên trường mới phải đổi đồng phục.

 

Học sinh nói màu vàng mặc không đẹp, dơ, mau cũ rồi đề xuất đổi màu xanh da trời. Tôi cũng quyết định giữ luôn màu này cho các năm sau, không đổi nữa

Ông Huỳnh Thanh Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh
“Học sinh nói màu vàng mặc không đẹp, dơ, mau cũ rồi đề xuất đổi màu xanh da trời. Tôi cũng quyết định giữ luôn màu này cho các năm sau, không đổi nữa”, ông Quang giải thích.

Khi được hỏi về “ý tưởng” may đồng phục màu vàng rồi màu vàng đậm, ông Quang thừa nhận chính ông đã cho may đồng phục màu vàng, đến năm sau công ty lại tự ý may thành màu vàng đậm.

Theo ông Quang, chỉ những học sinh lớp bán trú mới phải đổi đồng phục và chỉ có… hơn 350 em học bán trú. Đồng phục mỗi năm tăng giá 10% theo giá của công ty giao. Ông cũng thừa nhận không biết công ty may đồng phục cho trường, chỉ lấy đồng phục thông qua một người quen.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính (Q.Tân Phú), học sinh bán trú năm nay cũng phải thay áo trắng thành áo xanh với giá 60 - 70 ngàn đồng/cái tùy kích cỡ.

Bà Phạm Thị Bạch Cúc, Hiệu trưởng Trường Huỳnh Văn Chính, cho biết nhà trường đã thông báo đầy đủ về việc đổi đồng phục từ sớm với phụ huynh. Việc đổi đồng phục sang màu xanh để tránh nhầm lẫn giờ ra về giữa học sinh bán trú và học sinh một buổi (học sinh một buổi áo trắng, học sinh bán trú áo xanh).

Đồng phục từ A - Z

Tại Trường THCS Phú Mỹ (Q. Bình Thạnh), từ nhiều năm nay, đồng phục của trường là viền áo, váy, giày màu ca-rô trắng đỏ, tất phải có đường kẻ màu đỏ.

Một phụ huynh cho biết: “Nhà trường không yêu cầu phải mua tại trường nhưng thử hỏi mua được ở đâu bộ đồ ca-rô từ áo, váy, giày và tất viền đỏ. Thay vì đi tìm thì đương nhiên nhiều phụ huynh như tôi chọn cách mua tại trường luôn cho nhanh”.


Đồng phục từ áo đến tất của học sinh Trường THCS Phú Mỹ

Không chỉ có đồng phục mà ngay cả sách vở đến trường học sinh cũng được yêu cầu bìa bao như nhau.

Như ở Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh), học sinh được yêu cầu mua bìa bao có in tên và logo của trường để bao sách vở.

“Trường này còn dễ dãi hơn trường khác là cho mua bìa bao riêng nên tôi mua vở bên ngoài rồi bao bìa vở của trường cho con nên bớt được khá nhiều tiền”, một phụ huynh chia sẻ.


Bìa vở cũng "đồng phục" của Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ đầu năm học đã có hướng dẫn cụ thể các trường phổ thông không đột ngột thay đổi đồng phục gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Nếu đổi, trường phải báo trước từ sớm và được sự đồng thuận. Đồng phục phải đơn giản để phụ huynh dễ tìm mua.

Theo ông Chương, năm học này TP.HCM thực hiện nghiêm về vấn đề đồng phục và lạm thu vì vậy nơi nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Nơi nào làm không đúng, phụ huynh có thể phản ánh về Sở GD-ĐT để sở xem xét và xử lý nơi đó.

Đến nay, năm học mới đã bắt đầu gần được 1 tháng, liệu văn bản chỉ đạo về việc mặc đồng phục của Bộ GD-ĐT có "kịp" đến các trường để phụ huynh, học sinh trút bớt gánh nặng?

Học sinh không phải mặc đồng phục hằng ngày đến trường

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên năm học 2013 - 2014, đối với học sinh phổ thông, không bắt buộc phải mặc đồng phục hằng ngày đến trường. Ở những nơi có điều kiện và ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị thì chỉ cần quy định học sinh mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp.

Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may và phải phù hợp với quy định. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu của nhà trường.

Tuyệt đối, không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học.

Bài, ảnh: Hoàng Quyên

>> Học sinh, sinh viên không phải mặc đồng phục đến trường
>> Biến tướng đồng phục - Kỳ 4: Cương quyết xử lý các trường làm sai
>> Biến tướng đồng phục - Kỳ 3: Lợi nhuận quá lớn
>> Biến tướng đồng phục - Kỳ 2: Sinh viên cũng bắt mặc cùng kiểu !?
>> Biến tướng đồng phục
>> Không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.