Sẽ đình chỉ công tác hiệu trưởng vụ học sinh gãy chân

08/02/2017 19:21 GMT+7

UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) dự kiến trong tuần này sẽ ra quyết định tạm đình chỉ công tác với hiệu trưởng trường học bị phụ huynh tố đi ô tô vào sân trường làm ngã gãy xương đùi học sinh.

Chiều nay (8.2), trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy, đơn vị quản lý trực tiếp Trường tiểu học Nam Trung Yên (nơi xảy ra vụ tai nạn làm ngã gãy xương đùi một học sinh lớp 3 và bị gia đình phát đơn kiện), cho biết: "Đến thời điểm này, việc Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo tạm đình chỉ và luân chuyển công tác đối với Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên chúng tôi mới được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thông thường, sau mỗi cuộc họp như vậy thì UBND thành phố vẫn có văn bản thông báo kết luận cuộc họp và chỉ đạo các quận huyện. Hiện nay, quận vẫn đang chờ chỉ đạo bằng văn bản trực tiếp của UBND thành phố về vấn đề này. Quan điểm của quận là xử lý nghiêm, không bao che".
* Tại cuộc họp đó, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo thành phố đã trực tiếp tham dự và lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Sở đã chỉ đạo ra sao về vấn đề này?
- Bà Nguyễn Thanh Tịnh: Sáng nay, Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND quận và Phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy.
Kết luận tại cuộc họp này, ông Tiến yêu cầu UBND quận và các phòng ban chức năng xem xét, xử lý nghiêm túc, kịp thời vụ việc. Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để ra quyết định xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Chủ trương là trong tuần này phải có quyết định bằng văn bản về hình thức xử lý, kỷ luật đối với cô hiệu trưởng.
Lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo còn yêu cầu Phòng Giáo dục Đào tạo kịp thời nắm bắt các thông tin tiếp theo từ cơ quan điều tra, cùng với nhà trường tiếp tục duy trì việc quan tâm, chăm sóc và cử giáo viên đến hỗ trợ dạy học tại nhà cho cháu học sinh bị tai nạn, hiện vẫn chưa thể đến trường…
* Thông thường khi có vụ việc mà phải mời đến cơ quan công an vào điều tra thì đối tượng bị điều tra sẽ phải yêu cầu tạm dừng chức vụ, quyền hạn để phục vụ công tác điều tra, đảm bảo tính khách quan. Vậy tại sao điều này không được áp dụng đối với trường hợp hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên?
- Phòng Giáo dục Đào tạo có trách nhiệm quản lý về chuyên môn còn việc có ra quyết định tạm định chỉ công tác đối với hiệu trưởng trên địa bàn hay không thuộc thẩm quyền của UBND quận.
* Vậy hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên đã tường trình ra sao về vụ việc này với Phòng Giáo dục Đào tạo?
- Tường trình mới nhất là ngày 24.1 vừa qua với chúng tôi và gia đình học sinh bị tai nạn, hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên một lần nữa nhận lỗi đã không trực tiếp quan tâm, chăm sóc kịp thời học sinh bị tai nạn ngay tại trường mình.
Hiệu trưởng trường này cũng khẳng định lúc xảy ra vụ việc, bà không ngồi trên ô tô như cháu học sinh nói nhưng khả năng là lúc ô tô quay ra thì có sự va chạm với cháu.
* Nhưng trước đó, khi trao đổi với báo chí và báo cáo với Phòng Giáo dục Đào tạo, bà hiệu trưởng khẳng định không hề có ô tô chạy vào sân trường vào thời điểm đó, hiệu trưởng đang chỉ đạo chuyên môn ở trên phòng… Sau đó lại nói rằng có ô tô chạy vào sân trường và khả năng chiếc ô tô đó gây tai nạn cho cháu bé. Vậy bà đánh giá thế nào về mức độ trung thực của hiệu trưởng này?
- Bên nhà trường cũng có giải trình là sự việc xảy ra đã 20 ngày nên khi được hỏi đến thì hiệu trưởng không nhớ được ngay. Sau khi có các thông tin thì hiệu trưởng mới nhớ ra sáng hôm đó mình có đi khám bệnh từ lúc 6 giờ 30 sáng và giờ cháu học sinh bị tai nạn thì trở về từ bệnh viện bằng xe taxi, chiếc xe đó đi vào sân trường nhưng lúc xảy ra tai nạn thì hiệu trưởng đã ở trên phòng làm việc, chứ không ngồi trong xe. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở, phê bình cô hiệu trưởng vì đã không nhớ và nói thật sự việc ngay.
* Vậy còn việc phát phiếu khảo sát học sinh, giáo viên, nhân viên ở nhà trường về vụ tai nạn này thì sao? Bà đánh giá như thế nào về cách xử lý này của hiệu trưởng nhà trường?
- Chúng tôi có làm việc với nhà trường về vấn đề này thì nhà trường báo cáo là việc phát phiếu khảo sát là để thu thập thông tin xem có ai chứng kiến sự việc này không và nó xảy ra như thế nào, chứ không phải muốn để bao che. Hành vi đó là mong muốn tìm ra sự thật.
* Chỉ sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND thành phố thì mới có động thái xem xét đình chỉ công tác của hiệu trưởng để phục vụ điều tra. Liệu Phòng Giáo dục Đào tạo có thiếu quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, xử lý vụ việc này không, thưa bà?
- Chúng tôi không đồng ý với nhận xét rằng Phòng Giáo dục Đào tạo thiếu quyết liệt. Chúng tôi không có nghiệp vụ để điều tra, khi sự việc xảy ra chúng tôi cũng kịp thời gặp gỡ các bên liên quan và chủ động mời cơ quan công an vào cuộc để điều tra làm rõ sự việc. Chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp, cung cấp thông tin khi cơ quan điều tra có yêu cầu. Hiện nay chúng tôi được biết vụ việc đã được chuyển lên Công an thành phố Hà Nội để tiếp tục điều tra, làm rõ.
* Sau khi vụ việc xảy ra ở Trường Nam Trung Yên, Phòng Giáo dục có rút kinh nghiệm như thế nào để đảm bảo an toàn cho học sinh ở trường?
- Chúng tôi đã tham mưu cho UBND quận ra một văn bản gửi các trường về việc đảm bảo an toàn cho học sinh, trong đó có yêu cầu tuyệt đối không cho các loại phương tiện giao thông di chuyển trong sân trường vào giờ học tập, sinh hoạt của học sinh.
Ngày 20.12.2016, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh của cháu T.C.K, cháu bé bị tai nạn tại Trường Nam Trung Yên, đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng và báo chí cho rằng con anh bị tai nạn gãy xương đùi phải phẫu thuật nẹp vít xương và các bác sĩ khẳng định phải có một lực tác động từ bên ngoài rất mạnh mới có thể gãy xương như vậy.

Bên cạnh đó, theo lời K. thì cháu bị một chiếc ô tô đâm phải và theo như cháu nhớ thì trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác. Tuy nhiên, nhà trường lại khẳng định con anh Dũng tự ngã trong giờ ra chơi chứ không phải do tai nạn.

Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, trong cuộc làm việc với Thanh Niên sau đó khẳng định vào ngày xảy ra tai nạn không có bất cứ chiếc xe nào vào trường. Ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức khảo sát ý kiến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để khẳng định hôm đó không có chiếc ô tô nào đi vào trường và cháu K. ngã là do đùa nghịch, tự ngã trong giờ ra chơi.

Ngày 6.2.2017, tại cuộc họp của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung  cho rằng cô Tạ Thị Bích Ngọc đã bưng bít việc cháu K. bị gãy chân do ô tô đâm trong sân trường và yêu cầu các đơn vị liên quan sớm kết luận nguyên nhân vụ việc. Ông Chung chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo ra văn bản điều chuyển hiệu trưởng ngay ngày 6.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.