Sinh viên học trực tuyến: 'Mạng chập chờn, thầy nói nhanh quá... em nghe chưa hiểu!'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
09/04/2020 19:18 GMT+7

'Mạng chập chờn', 'thầy nói nhanh quá em nghe không kịp', 'môn này học qua màn hình khó hiểu quá'... là ý kiến của nhiều sinh viên trong thời gian học trực tuyến vừa qua.

Khó khăn trong tương tác với giảng viên

Nguyễn Huy Kiên, sinh viên năm 2 ngành cơ điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện học 7 môn bằng hình thức trực tuyến, mỗi tuần học khoảng 3-4 ngày, có hôm học 2 môn. Kiên, cho hay: "Em thấy học online cực hơn là lên trường, vì có những môn học giảng qua màn hình bằng một vài video thì không thể hiểu được. Ví dụ, môn dung sai là môn đo lường, mà nhìn bảng số liệu tự học thì rất khó. Phải trực tiếp nhìn bảng và hỏi thầy, kiểu như phải có sự tương tác với thầy. Mà nếu hỏi thì thầy cũng không có thời gian trả lời hết. Còn mấy môn tính toán hoặc lý thuyết thì khá ổn. Nhưng nhiều lúc đang học thì mạng lỗi hoặc thầy dạy nhanh chưa kịp hiểu. Có lúc tiếng thầy nói không khớp với màn hình gây cảm giác không được thoải mái".
Theo Kiên, nếu so với việc học trực tiếp, thì việc tiếp thu bài giảng của Kiên giảm khoảng 30%. "Học online đòi hỏi sinh viên phải chủ động và chịu khó. Còn ai thụ động, thiếu tự giác thì cảm thấy học dễ bị chán. Chẳng hạn có bạn dậy muộn nên truy cập vô lớp cũng bị muộn. Bản thân em thấy nếu đường truyền internet ổn định, thầy giáo giảng chậm hơn một chút thì sẽ tốt hơn", Kiên chia sẻ.
Trong khi đó, Dương Ngọc Hân, sinh viên năm nhất ngành quan hệ quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, hiện học trực tuyến 3 môn lý thuyết. "Em cảm thấy học online hơi chán và không hiệu quả so với học trên lớp. Hầu như là thầy cô giảng bài rồi chiếu slide cho tụi em dựa theo ghi chép. Có môn thì thuyết trình, ví môn lịch sử thì tụi em chia nhóm rồi từng nhóm thuyết trình cho cô nghe. Có khi câu được câu mất do mạng chập chờn".
Hân kể có môn trường xếp học vào 6 giờ 45 phút sáng, quá sớm để tập trung được đông đủ sinh viên trong thời điểm này. "Vừa mở mắt dậy là em chộp vội cái điện thoại vào lớp điểm danh trước sau đó mới đi đánh răng, rửa mặt cho tỉnh ngủ. May thầy cô không bắt tụi em phải bật camera. Thú thật là học trực tuyến trong không gian ở nhà nên sinh viên khó tập trung hơn, bị ti vi, điện thoại, âm thanh bên ngoài tác động nhiều. Thật ra học online cũng hay, tiết kiệm được thời gian đi lại. Nhưng vì đây không phải là môi trường học tập quen thuộc nên có lẽ sinh viên sẽ phải mất một thời gian mới có thể thích nghi", Hân nhận định.
Nguyễn Văn Trí, sinh viên ngành tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng học trực tuyến nội dung giảng viên truyền đạt không khác như học trên lớp, lại thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin trên internet. "Tuy nhiên, việc trao đổi ý kiến thì không tiện lắm, nên em phải tạo một group chat để trao đổi thêm. Về phía giảng viên, em thấy quan trọng nhất là phải nói rõ ràng, nội dung trình bày cô đọng và dễ hiểu, các ví dụ thì nên xoay quanh các vấn đề thực tiễn trong xã hội. Em cũng mong muốn đa dạng hóa các hoạt động trực tuyến, mục đích là kích thích sự học. Điều này em đã thấy và trải nghiệm ít nhiều ở một số lớp học online trên các trang mạng trong và ngoài nước".

Cơ hội để rèn luyện kỹ năng tự học và nghiên cứu

Nguyễn Thu Hương, sinh viên năm cuối khoa Luật linh tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đánh giá học trực tuyến có thể giúp mình rèn kỹ năng tự học, tự nghiên cứu trước khi vào lớp và tự nghiên cứu những chỗ chưa hiểu bài.
Được biết, từ những năm phổ thông Hương đã tham gia các lớp ôn luyện trực tuyến trên các trang như hocmai.vn Moon.vn. Hồi đó Hương không tham gia học thêm ở trường và chọn học trực tuyến vì thấy bản thân có thể chủ động hơn trong quá trình học, tiết kiệm thời gian đi lại.
"Em thích học trực tuyến và cảm thấy nếu bản thân học đúng cách sẽ rất hiệu quả. Em có thể lựa chọn không gian phù hợp, một nơi yên tĩnh và còn có thể mở một chút nhạc không lời nhẹ nhàng để đầu óc thoải mái hơn khi học. Tuy nhiên, một trở ngại trong quá trình học đó là việc kết nối internet, đôi khi kết nối chậm hoặc rớt mạng sẽ khiến bản thân không nhanh chóng bắt kịp tiến độ. Việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên cũng còn hạn chế, nếu bản thân không chủ động thì giảng viên sẽ khó nắm bắt được sinh viên có hiểu bài hay không, hoặc là việc hỏi bài trực tuyến khi thầy cô đang giảng cũng khó khăn hơn một chút", Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, Hương cho rằng sinh viên có thể khắc phục bằng cách hỏi thầy cô ở cuối giờ, để lại bình luận hoặc tin nhắn cho giảng viên. Hương thường chọn cách tổng hợp lại những thắc mắc của mình và gửi lại thầy cô nhờ giải đáp. "Mình phải chủ dộng để không bị tụt lại, và nắm được kiến thức một cách nhanh chóng", Hương lưu ý.
Lê Khôi, sinh viên năm nhất ngành y đa khoa, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho rằng để học trực tuyến hiệu quả, sinh viên phải có tính chủ động, ý thức tự học, tự nghiên cứu. Khôi nêu quan điểm: "Theo em, trong điều kiện nghỉ học vì dịch Covid, sinh viên cũng nên chịu khó sắp xếp thời gian học trực tuyến giống như học trên lớp, đừng coi thường mà bỏ qua buổi học nào. Các bạn nên đề cao tinh thần tự học, coi đây là cơ hội để mình rèn kỹ năng. Về giảng viên, theo em thầy cô nên tạo nhiều hoạt động sinh động trong tiết học, có những chủ đề sôi nổi để thảo luận, giúp sinh viên năng nổ hơn và không nhàm chán khi học".
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trưởng khoa Marketing, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết có rất nhiều sinh viên có thái độ tích cực, sau mỗi buổi học online đã xin thầy ra thêm bài tập để tự học, tự nghiên cứu. "Lớp mình dạy đa số sinh viên rất đúng giờ, thậm chí các em ngồi đợi trước. Nhiều em xin thêm bài tập để làm. Đó là thái độ học tập tích cực để giúp học trực tuyến hiệu quả", tiến sĩ Trường nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.