Thạc sĩ Lưu Minh Sang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng các yếu tố quyết định đến chất lượng giảng dạy trực tuyến bao gồm: Cấu trúc và cách thiết kế “kịch bản” đối với bài giảng; Phương thức tương tác; Khả năng tự học của người học; Sự ổn định của hạ tầng công nghệ; Cách thức kiểm soát chất lượng của nhà trường.
“Để một giờ giảng dạy trực tuyến có hiệu quả, việc thiết kế nội dung bài giảng phải có nhiều sự thay đổi, đồng thời là cách kết hợp đa dạng và hợp lý các phương pháp giảng dạy như: trình chiếu văn bản, đồ họa, video, trò chơi học thuật trực tuyến, trắc nghiệm khách quan, bài tập ngắn, động não…”, giảng viên này phân tích.
Cũng theo thạc sĩ Sang, bài giảng cần được triển khai theo một kịch bản được chuẩn bị chu đáo với việc kết hợp hoạt động vui chơi với phương pháp giáo dục để cuốn người học vào dòng thời gian của khóa học. Đồng thời cũng tăng tính tương tác giữa các thành viên trong lớp.
“Vậy nên, tôi cho rằng việc giảng dạy tại đâu không phải là yếu tố quyết định đến chất lượng giảng dạy trực tuyến, có chăng chỉ là một yếu tố phụ trong những hoàn cảnh đặc thù xuất phát từ điều kiện cụ thể của từng giảng viên”, thạc sĩ Sang bày tỏ.
Để có một bài giảng học trực tuyến chất lượng, thạc sĩ Bùi Thu Anh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ: “Chất lượng dạy học không phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị, sinh viên của mình vẫn thông cảm cho việc hình ảnh mờ. Sinh viên cần nhiều tài liệu, cần giảng viên giải thích và tư vấn cách học”.
Bình luận (0)