Tăng học sinh giỏi do cách xét tuyển như... mơ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
30/05/2019 07:37 GMT+7

Ngành GD-ĐT đang mâu thuẫn với chính mình khi một mặt hô hào giảm áp lực, khắc phục bệnh thành tích nhưng mặt khác lại đẻ ra những cách thi, xét tuyển rất nặng về điểm số, danh hiệu... đẩy phụ huynh và học sinh vào cuộc đua quá khốc liệt và họ buộc phải 'thích' và ép con đạt điểm cao.

 

Học sinh hoảng loạn vì kỳ vọng của người lớn

Như vậy, điểm 10 học kỳ ấy là điểm “fake” (giả). Cách đặt ra yêu cầu xét tuyển như vậy buộc cha mẹ HS, nhà trường phải làm điểm “fake” để con em mình có một cơ hội

GS Đỗ Đức Thái

Ngày 28.5, trên một diễn đàn mang tên “Đồng hành cùng học sinh giỏi…”, một bà mẹ kể con trai chị đi thi tại hội đồng thi THPT chuyên của một trường ĐH tại Hà Nội, có trường hợp một thí sinh nam bị khủng hoảng ngay tại phòng thi. “Phải chăng do áp lực học hành căng thẳng quá?”, bà mẹ này đặt câu hỏi.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng chia sẻ ông từng chứng kiến chính HS của trường mình phải nhập viện tâm thần ngay trước ngày thi THPT vì áp lực học hành quá căng thẳng, kỳ vọng của thầy cô, bố mẹ đặt lên vai HS quá nặng nề.
Những ngày này, Hà Nội đang sống trong một không khí “nóng rực” của thi cử và xét tuyển vào một loạt các trường phổ thông chuyên, trường chất lượng cao. Trong khoảng 1 tuần lễ, có những HS được bố mẹ cho thi vào tới 3 - 4 trường chuyên.
Một số đề thi môn chuyên vào THPT những năm gần đây, đặc biệt là môn toán, được các chuyên gia đánh giá là ra theo kiểu đánh đố người học. Với những cách ra đề như vậy, HS không thể không đi học luyện theo một dạng đề đến “nát” ra để đi thi. Bởi vậy, có những em học đến suy nhược thần kinh.

Kiểu xét tuyển “đẻ” ra học sinh điểm 10 giả


Dư luận đang xôn xao khi đọc được tâm sự “chỉ muốn chết” vì áp lực điểm 10 của cậu HS lớp 4 ở một trường tiểu học ở Hà Nội trong bức thư “điều con muốn nói” gửi bố mẹ khi bị bắt phải luôn được điểm 9, 10. “Nguyên nhân là những tiêu chí tuyển sinh “toàn 10” của một số trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội khiến phụ huynh không thể không xao động”, một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6 năm nay chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, bậc THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam và các trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Lê Lợi… đều có 2 vòng tuyển sinh, kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực. Điều đáng nói là ở vòng xét tuyển thứ nhất, yêu cầu đặt ra với điểm số của HS trong học bạ hầu hết phải là điểm 10 mới đủ điều kiện xét tuyển. Nặng nề nhất trong các trường này là bậc THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, điều kiện tổng điểm bài kiểm tra cuối năm các môn phải đạt toàn điểm 10 trong các bài kiểm tra định kỳ cuối năm ở tất cả các lớp của cấp tiểu học, chỉ chấp nhận có 1 bài điểm 9 ở lớp 1 hoặc 2. Nhưng đạt điểm toàn 10 cũng chưa đủ nếu HS đó không được trường tiểu học xác nhận vào học bạ là “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.
Xét vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, học sinh phải có tổng điểm bài kiểm tra cuối năm các môn đạt toàn điểm 10 ở tất cả các lớp của cấp tiểu học ẢNH: NGỌC THẮNG
Chính vì những tiêu chí kiểu như vậy nên không ít phụ huynh khi bị “phê bình” là gây áp lực điểm số cho con đã phản pháo: “Điều cần lên án là việc xét tuyển vào một số trường hiện nay với tiêu chí toàn điểm 10. Nếu cần một sự thay đổi thì nên bắt đầu từ việc đừng để việc xét tuyển toàn điểm 10 ”.
Nói về việc xét học bạ toàn điểm 10, GS Đỗ Đức Thái nói với phóng viên Thanh Niên rằng lúc đầu khi nghe thông tin này, ông nghĩ họ “nói đùa” vì không có nguyên lý giáo dục nào lại đặt ra cách đánh giá một đứa trẻ có tài năng hay không dựa trên điểm số trong học bạ “toàn 10”. “Tôi không thấy một nước nào trên thế giới làm như vậy. Tôi nói thật nếu xét thế thì tôi cũng không làm được”, GS Thái thốt lên và cho rằng: “Như vậy, điểm 10 học kỳ ấy là điểm “fake” (giả). Cách đặt ra yêu cầu xét tuyển như vậy buộc cha mẹ HS, nhà trường phải làm điểm “fake” để con em mình có một cơ hội”.
Nguyên nhân sâu xa hơn, GS Đỗ Đức Thái chỉ ra rằng lạm phát trường chuyên, trường chất lượng cao lan tới THCS đã khiến cho mô hình trường này đang đi chệch hướng.
Học sinh giỏi lớp 12 có chiều hướng tăng ?
Với cấp THPT, từ năm 2015 - khi tổ chức thi “2 trong 1”, để chống “trượt” cho HS, ngành GD-ĐT dùng 50% điểm học bạ lớp 12 và 50% điểm thi để xét tốt nghiệp THPT. Từ năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định tăng tỷ trọng điểm thi lên 70% để tránh tình trạng điểm thi quá thấp nhưng HS vẫn đỗ tốt nghiệp vì có điểm học bạ làm cứu cánh.
Thế nhưng, HS một số trường THPT ở tốp dưới tại Hà Nội phản ánh, nhà trường vẫn tìm cách để nâng điểm HS lớp 12 lên thật cao, bù vào điểm xét học bạ giảm xuống. Ví dụ, trước đây chỉ cần “làm đẹp” điểm học bạ khoảng 7 điểm cộng với điểm thi 3 - 4 điểm là HS dưới mức trung bình đã đủ điểm tốt nghiệp thì nay trường nới tay lên tới 8, 9 điểm trong học bạ. Do vậy, số HS giỏi của lớp 12 cao hơn hẳn so với lớp 10, 11 của chính trường đó. “Trường em tỷ lệ HS giỏi lớp 12 hơn 60%, cao gấp đôi so với số HS giỏi của lớp 11”, một HS của trường THPT có điểm đầu vào ở mức trung bình ở Hà Nội, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.