Sáng nay, Hội nghị PAACOS (Hạt, Chuỗi và Vũ trụ học) do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ở ICISE, P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã khai mạc.
Hội nghị do GS Phạm Quang Hưng (giảng viên Trường ĐH Virginia, Mỹ) và GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam) đồng tổ chức với sự tham dự của khoảng 200 nhà khoa học quốc tế và trong nước.
Sau lễ khai mạc, GS David Jonathan Gross (người Mỹ, Nobel vật lý năm 2004) và GS Takaaki Kajita (người Nhật Bản, Nobel vật lý năm 2015) lần lượt trình bày tham luận tại hội nghị.
Sau lễ khai mạc, Thanh Niên Online có buổi trao đổi với GS Phạm Quang Hưng về những vấn đề được trình bày, thảo luận tại Hội nghị PAACOS này.
GS Phạm Quang Hưng cho biết Hội nghị PAACOS được tổ chức mỗi năm một lần và ở một nước khác nhau. Năm 2015, Hội nghị PAACOS được tổ chức ở Ý, năm 2014 tổ chức ở Ba Lan. Năm nay, hội nghị sẽ được tổ chức ở Việt Nam và theo kế hoạch thì năm sau sẽ tổ chức ở Tây Ban Nha. Những nhà khoa học vật lý muốn đem hội nghị này về đất nước của mình thì phải làm đơn trình lên để Ban tổ chức Hội nghị PAACOS xem xét. Tôi và GS Trần Thanh Vân đã làm đơn và đã được ban tổ chức chấp nhận.
* Hội nghị PAACOS năm nay sẽ trình bày, thảo luận những vấn đề gì thưa giáo sư?
- Mục đích của Hội nghị PAACOS là tổng kết và thảo luận về các kết quả đã đạt được gần đây trong lĩnh vực vật lý hạt, lý thuyết dây và vũ trụ học. Với sự khám phá về hạt Higgs (một hạt chủ chốt trong mô hình chuẩn các hạt cơ bản) vào tháng 7.2012 và sự khởi động gần đây của máy gia tốc hạt (LHC) Run 2, việc tập hợp các nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm là khẩn cấp để thảo luận về những kết quả thu thập được và đề xuất những ý tưởng mới, với mục đích làm sáng tỏ những bí ẩn của mô hình chuẩn cho đến nay vẫn không được đại đa số coi là câu trả lời cuối cùng.
* Những vấn đề thảo luận tại các hội nghị PAACOS được lặp lại hằng năm như vậy có gây nhàm chán cho các nhà khoa học?
- Đề tài, người trình bày... tại hội nghị được chúng tôi tuyển chọn rất kỹ càng. Lúc lên kế hoạch tổ chức hội nghị thì chúng tôi phải tìm những người có thể phụ giúp mình. Tức là chúng tôi sẽ tạo ra một hội đồng khoa học và những thành viên trong hội đồng sẽ nói chuyện, thảo luận với nhau để cử người phụ trách từng nhóm đề tài trong hội thảo. Những người phụ trách nhóm đề tài này sẽ tìm thêm các nhà khoa học khác có thể phát biểu về đề tài của mình trong hội thảo.
* Việc lựa chọn người trình bày tại hội thảo là ý kiến chủ quan của người phụ trách đề tài?
- Chúng tôi cố làm một chương trình của hội nghị mà những tham luận được trình bày, được đem ra thảo luận là những công trình tiêu biểu của những khám phá mới nhất trong ngành vật lý hạt cơ bản. Việc chọn đề tài thảo luận tại hội nghị này được chúng tôi thực hiện rất làm công bằng, không có thiên vị một hướng nào cả mà chỉ chọn những cái gì mới mẽ nhất lúc bây giờ mà thôi.
Ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, chúng tôi sẽ mời những người có khám phá còn rất mới, cách đây 2 hoặc 3 năm, lên trình bày tham luận của mình. Chẳng hạn như GS Takaaki Kajita sẽ trình bày những khám về hạt neutrino đã giúp ông ta đạt giải Nobel năm 2015, GS David Jonathan Gross (Nobel vật lý năm 2004) trình bày về vấn đề vật lý lý thuyết dây và một số nhà khoa học khác sẽ trình bày những khám phá mới nhất về hạt Higgs... Vào thứ 5 tuần này (ngày 14.7), GS Kam-Biu Luk, nhà vật lý tại Đại học California, người được giải thưởng Panofsky (một giải thưởng vật lý quan trọng ở Mỹ) năm 2014 về công trình nghiên cứu hạt neutrino cũng sẽ bay từ Mỹ sang đây để trình bày về kết quả nghiên cứu mới nhất của mình...
* Vậy những người trẻ, những người mới bắt đầu nghiên cứu khoa học chỉ đến đây để nghe, không có cơ hội trình bày ý kiến của mình?
- Một trong những ý tưởng mà GS Trần Thanh Vân đưa ra khi tổ chức các hội nghị tại Gặp gỡ Việt Nam là giúp những người trẻ để họ có thể gặp, trao đổi trực tiếp với những người đã thành công rồi. Chúng tôi luôn mong muốn những người trẻ có cơ hội được phát biểu ý kiến của mình, để được góp ý, nhận xét rồi tự tìm ra hướng đi đúng cho mình. Hội nghị PAACOS lần này, trong buổi chiều ngày thứ 3 (12.7) và buổi sáng ngày thứ 4 (13.7) có khá nhiều phát biểu của những người trẻ, nghiên cứu sinh... trong đó có vài sinh viên Việt Nam.
* Xin cảm ơn giáo sư! Chúc hội nghị PAACOS tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.
GS Phạm Quang Hưng sinh năm 1950 tại tỉnh Ninh Bình, theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ năm lên 4 tuổi. Năm 1968, ông sang Canada học tại Trường Polytechnique Montreal. Năm 1969, ông sang Mỹ theo học tại ĐH Ilinois Technology (Chicago) rồi bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH California (Los Angeles, Mỹ). Năm 1982, ông được mời về làm giáo sư vật lý tại ĐH Virginia (Mỹ).
GS Phạm Quang Hưng là một trong những người góp phần xây dựng chương trình Vật lý tiên tiến thí điểm của Bộ GD-ĐT. Hiện ông là giảng viên trực tiếp giảng dạy của chương trình Vật lý tiên tiến tại Trường ĐH Sư phạm Huế.
|
Bình luận (0)