Việc giáo viên không chỉ đánh giá học sinh (HS) qua các bài làm cố định trên lớp mà thay vào đó là tăng cường việc đánh giá thường xuyên, bằng nhiều hình thức khác nhau, đánh giá kỹ năng kết hợp thái độ học tập đã giúp HS có cơ hội phát triển toàn diện. Giúp các em có thêm nhiều kỹ năng hơn trong việc học tập, như kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, hoạt động nhóm thông qua việc thuyết trình, báo cáo chuyên đề, sản phẩm. Các hoạt động dạy học dự án, chuyên đề, tích hợp, liên môn, giáo dục STEM… đem đến nguồn “sinh khí” mới cho hoạt động giáo dục nhà trường.
Việc học hành, thi cử của HS cũng đã giảm bớt căng thẳng hẳn do giảm số bài kiểm tra. Số HS khá giỏi cũng không thay đổi nhiều so với cách đánh giá cũ, vì đưa thêm môn ngoại ngữ vào làm điều kiện khống chế ngoài môn toán và văn. Vui nhất là những HS dù không đạt danh hiệu gì nhưng vẫn được nhà trường khen thưởng do có tiến bộ vượt bậc. Một số trường bước đầu áp dụng hình thức thi giữa kỳ, cuối kỳ trực tuyến bằng điện thoại thông minh. Việc dạy học và đề thi hướng đến các vấn đề thực tiễn đã giúp HS hứng thú hơn trong học tập.
Đây là những “cú hích” rất lớn giúp vận hành trơn tru chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong đợt kiểm tra cuối kỳ 1 vừa qua, mặc dù nhà trường đã sinh hoạt rất kỹ quy chế thi cho HS nhưng vẫn còn nhiều em vi phạm. Trong bản kiểm điểm mà người viết bài này đã đọc, một HS lớp 10 viết: “Em bị áp lực nhiều về điểm số. Năm lớp 9 em đạt HS giỏi, nhưng lên lớp 10 em bị đuối sức học nên lỡ quay cóp để có điểm cao”. Rõ ràng là, dù đã giảm nhưng áp lực về thi cử, điểm số vẫn còn đè nặng lên ý thức HS. Một giáo viên dạy văn tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho rằng chừng nào còn “dạy gì thi nấy” thì còn cảnh bài văn mẫu tràn lan cho HS học vẹt, và không hiếm những em mang theo “phao” vào phòng thi. Đa số những HS vi phạm quy chế thi đều thuộc các môn học mà giáo viên đã soạn sẵn tài liệu ôn tập theo kiểu nói trên.
Cách cho HS kiểm tra trực tuyến bằng điện thoại có nhiều tiện lợi, như giảm bớt khâu thủ tục coi thi, khâu chấm bài. Nhưng nếu không lường trước những bất trắc, không có kinh nghiệm sẽ còn nhiều phiền toái và tiêu cực khó tránh khỏi. Bên cạnh các trường đánh giá HS một cách linh hoạt, đa dạng bằng nhiều hình thức, vẫn còn rất nhiều các trường “đóng băng” trong cách kiểm tra đánh giá kiểu cũ.
Việc đánh giá kỹ năng, kiến thức bằng điểm số kết hợp với đánh giá thái độ của HS là một yêu cầu hay nhưng cách làm ở các nhà trường hiện nay chưa có hiệu quả ở yêu cầu sau. Cách đánh giá thái độ HS còn chung chung, chưa có tác động cụ thể, tích cực đến học trò. Đây là những rào cản thật sự cho việc đổi mới giáo dục.
Bình luận (0)