Thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả lớn

Bích Thanh
Bích Thanh
28/01/2019 08:01 GMT+7

Giờ học trở nên vui hơn, ý nghĩ hơn, thầy trò tương tác với nhau dễ dàng hơn chỉ bằng thay đổi nhỏ từ một cô giáo trẻ.

Thầy cô là người bạn lớn

Trong các lớp học của cô Trần Thị Quỳnh Anh (26 tuổi) dạy ngữ văn tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) luôn có một hũ kẹo mang tên hạnh phúc. “Chiếc hũ này sẽ chứa những viên kẹo nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Nếu ngày nào đó các con thấy thầy cô giảng bài thật hay, thật dễ hiểu các con sẽ lấy kẹo mời thầy cô như một lời cảm ơn và chúc thầy cô một ngày thật vui vẻ. Nếu lúc nào nhận ra hôm nay thầy cô có chút mệt mỏi, có điều gì đó không vui, các con hãy lấy kẹo mời thầy cô và mong thầy cô bớt mệt mỏi, bớt muộn phiền. Và nếu ngày nào đó các con thấy mệt mỏi, không vui về điều gì, các con hãy lấy kẹo và ăn”, chủ nhân ý tưởng chia sẻ.

Từ khi còn là giáo sinh thực tập, cô Quỳnh Anh đã tạo cho mình thói quen đến lớp thật sớm, trò chuyện với học sinh để nắm bắt tâm lý học trò. Cô chia sẻ: “Nhiều khi mọi người coi đó là chuyện vớ vẩn, nhưng không phải. Ví dụ khi tụi nhỏ đưa một cái hình ra, nghe cô nói: “Đây có phải là nhóm BTS (nhóm nhạc trẻ Hàn Quốc đang được giới trẻ yêu thích - PV) không?”, thế là cả lớp ồ lên “sao cô biết”. Qua chi tiết nhỏ đó, học trò thấy khoảng cách với cô không xa mà thay vào đó là sự gần gũi”. Theo cách này, cô hiểu rõ hoàn cảnh từng học sinh. Từ đó cô làm mọi thứ để học trò thấy trường học là nhà, bạn bè là anh em, thầy cô là người bạn lớn.
Cô Quỳnh Anh cho rằng học trò ngày nay có cảm xúc nhưng sống bằng vỏ bọc bên ngoài vô cảm, vì vậy cách tiếp cận phải thật tinh tế, khơi dậy cảm xúc một cách khéo léo. Theo cô, nếu chỉ giáo dục trên lớp bằng những từ ngữ sáo rỗng, theo kiểu áp đặt ra lệnh sẽ không hiệu quả bằng hành động.
Từ đó mà “hũ kẹo hạnh phúc” ra đời. Từ tháng 9.2017 đến nay, hũ kẹo không còn gói gọn trong các lớp học của Trường THPT Trưng Vương mà còn được nhiều giáo viên của TP.HCM hưởng ứng.

Hướng học trò có mục tiêu sống

Nếu “hũ kẹo hạnh phúc” là bước đầu tiên để khơi dậy cảm xúc thì đến hoạt động “bàn tay mục tiêu”, cô giáo Quỳnh Anh hướng học trò của mình có mục tiêu sống. “Nếu sống mà không có mục tiêu thì sống không đích đến. Nếu xác định được mục tiêu rồi sẽ có định hướng để phấn đấu không phải chỉ một năm học mà còn là chặng đường tương lai”, cô nhắn nhủ học sinh. Thông qua mục tiêu cuộc đời mà học sinh thổ lộ, cô Quỳnh Anh cho hay, phụ huynh cũng biết con mình có những dự định gì trong tương lai và cùng giáo viên biết được sở thích, đam mê để cố gắng vun đắp cho học trò.
Hũ kẹo cứ vơi rồi lại đầy, những “đứa trẻ sống trong nhung lụa”, giờ biết chia sẻ với bạn bè, định hướng cho cuộc đời mình, không mơ hồ, vô định. Hơn tất cả, cô giáo sáng tạo thấy hạnh phúc bởi giúp học trò sống đúng lứa tuổi, sống có cảm xúc, thẳng thắn với thầy cô, ba mẹ, bạn bè, có cái tôi riêng của mình…
Cô Quỳnh Anh đã giành giải nhất cuộc thi Giáo viên sáng tạo năm 2016 của Bộ GD-ĐT sau 2 năm đi dạy. Một năm sau đó, cô là 1 trong 4 giáo viên của VN được vinh danh tại diễn đàn giáo dục toàn cầu - diễn đàn của những sáng tạo trong giáo dục uy tín do Microsoft tổ chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.