Thấy gì từ bức thư thầy hiệu trưởng gửi học sinh không đoạt giải cấp tỉnh?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
30/06/2020 17:04 GMT+7

Bức thư thầy hiệu trưởng gửi cô học trò duy nhất không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đã nhận được sự thấu cảm của chính những người thầy.

Thầy buồn gấp 10 trò, nhưng không vì thế mà khiến trò thêm mặc cảm

Bức thư của thầy hiệu trưởng Lê Thành Tuyên, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, gửi học sinh L.V.A, lớp 9A khi em này là học sinh duy nhất trong số 8 em không đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, đã khiến nhiều người xúc động. Thông điệp mà thầy Tuyên gửi tới học trò của mình là: “Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả, đón nhận thành công rất dễ, dũng cảm vượt qua những thất bại mới thực sự thành công, đó là điều thầy cô và người mẹ yêu quý của em mong muốn em có được”.
Nhà giáo ưu tú - tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, chia sẻ: “Đây là một bức thư rất xúc động. Thầy hiệu trưởng đã làm đúng chức năng của một người thầy. Lời động viên của thầy vô cùng cần thiết và ý nghĩa trong lúc cô học trò đang trong tâm lý chới với, cần có sự bám víu để đứng lên. Vì chắc chắn kết quả đó khiến cô bé cảm thấy xấu hổ, mất tự tin, cô bé cảm thấy mình đang làm ảnh hưởng tới thành tích của trường và phụ sự kỳ vọng của thầy cô. Ở lứa tuổi đó, sẽ thật kinh khủng nếu thầy cô hay cha mẹ buông lời trách móc”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng, lâu nay sai lầm của người lớn, trong đó có thầy cô và cha mẹ, là luôn dạy các con phải đạt được thành tích, thành công mà quên đi việc dạy các con phải vượt qua được chính mình, tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. “Một kỳ thi chưa đủ sức đánh giá giá trị của một con người. Thầy cô hãy gieo cho trẻ những ước mơ, chứ đừng gây áp lực về điểm số, thành tích. Điều đó làm hao tổn trí lực của trẻ, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm lý, nhân cách”, tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng nhìn nhận.
Đối với thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, một lời động viên của thầy đến học trò trong lúc học trò vừa gặp “thất bại” nếu xuất phát từ cái tâm và sự chia sẻ, sẽ tác động rất lớn tới tâm lý của em. “Ngay từ lúc học sư phạm, chúng tôi đã được dạy về cách ứng xử với học trò trong các tình huống như vậy. Trong tình huống học trò đi thi không đoạt giải, trò buồn chứ. Nhưng trò buồn một thì thầy buồn gấp 10, vì thầy đã dồn tâm huyết dạy trò để mong muốn trò đạt được một thành tích nào đó sau nhiều ngày cả thầy và trò đều nỗ lực. Đó là một tâm lý hết sức thông thường. Tuy nhiên, ứng xử như thế nào phụ thuộc vào cái tâm và sự bao dung, chia sẻ của người thầy. Là một người thầy, hãy vượt qua cảm xúc buồn, thất vọng đó để hướng tới điều lớn lao hơn: động viên và dạy học trò vượt qua mặc cảm, vượt qua chính mình vì tương lai còn rộng mở ở phía trước”.

Dạy học trò biết vượt qua thất bại

Thầy Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), kể lại: “Trong trường, các em học sinh của chúng tôi vẫn tham gia các cuộc thi như đá banh, vẽ… Có mấy em nam thi đá banh không đạt giải gì về khóc sướt mướt. Nếu thầy cô mà không kịp thời động viên thì các em sẽ nghĩ đó là một thất bại nặng nề và kinh khủng lắm. Tôi vẫn nói với các em là việc không đạt được thành tích gì cũng là điều bình thường thôi. Cuộc đời này đâu phải chỉ có một cuộc thi đấu duy nhất, vượt qua được chính mình mới là chiến thắng. Thế là các em không cảm thấy buồn nữa, một lúc sau lại cười tươi rói”.
Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Lê Minh Công, khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng không chỉ là trẻ con mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình huống sai sót hay thất bại trong cuộc sống. Khi rơi vào thất bại, người trong cuộc sẽ trải qua cảm xúc buồn, tự ti, thất vọng và rất cần lời động viên của những người bên cạnh.
“Đặc biệt là đối với một đứa trẻ, lại càng cần cha mẹ hay thầy cô lắng nghe, động viên, chia sẻ thì con mới nhanh chóng vượt qua được cảm xúc đó, từ từ có suy nghĩ tích cực hơn. Người lớn không nên dùng kỷ luật tiêu cực để ứng xử trước những sai sót hay thất bại của con, sẽ khiến con có cảm giác đó là một thất bại không thể cứu vãn, càng gia tăng cảm xúc lo âu, buồn chán, lòng tự tin và tự trọng mất dần, có thể dẫn đến hành động xã hội chệch chuẩn như nói dối, căng thẳng, trầm uất”, tiến sĩ Công lưu ý.
Cũng từ bức thư của thầy hiệu trường, tiến sĩ Công cho rằng quan trọng nhất là thầy cô, cha mẹ cần giúp trẻ nhận ra được bài học sau mỗi thất bại. Vì ở lứa tuổi non nớt của trẻ, việc nhận ra những điều tích cực và bài học giá trị từ thất bại là rất khó nếu không có sự phân tích, động viên từ người lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.