Theo lãnh đạo các trường đại học (ĐH), trong vài ba năm tới, việc Bộ GD-ĐT duy trì kỳ thi THPT quốc gia với mục đích “kép” là giúp các trường ĐH có căn cứ để tuyển sinh là cần thiết. Đồng thời khuyến khích những trường lớn, đặc biệt là nơi đào tạo nhân tài, đưa ra các hình thức đánh giá riêng để lựa chọn được những nhóm sinh viên phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình.
Thiếu khả thi về mặt đại chúng !
tin liên quan
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tuyển 30% chỉ tiêu bằng kỳ thi năng lựcTheo PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, hiện đang tồn tại 2 mô hình thi được dùng để tuyển sinh là kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi đánh giá năng lực do một số trường có điều kiện tổ chức. Cả hai mô hình đều có ưu thế riêng. Với kỳ thi đánh giá năng lực riêng do trường tự tổ chức, các trường sẽ tự chủ được hoàn toàn việc tuyển sinh, lựa chọn được nhóm thí sinh đúng đối tượng, đúng mong muốn, đúng yêu cầu kỹ năng đầu vào.
“Tuyển sinh ĐH ở nhiều nước là theo mô hình này, trường tự chủ tuyển sinh hoàn toàn, và không chỉ căn cứ vào kết quả một kỳ thi nào đó mà còn xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn… Vì thế, với những trường hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn đề đánh giá năng lực theo yêu cầu đào tạo chuyên sâu của họ, nếu tổ chức thêm được các kỳ thi đánh giá năng lực để thêm một căn cứ tuyển sinh thì cũng rất tốt, cần khuyến khích để mở rộng dần diện trường này. Nhưng việc tự chủ tuyển sinh hoàn toàn ấy không phải trường nào muốn cũng làm được ngay. Cứ khuyến khích các trường lớn làm, rồi từ đó lan tỏa dần dần từng bước”, PGS Đông phân tích.
GS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cũng cho biết ông ủng hộ một số trường lớn, những nơi có mục tiêu đào tạo nhân tài hoặc nhân lực trình độ cao đạt mức tinh hoa thì việc tuyển sinh nên qua nhiều khâu, nhiều vòng, để chọn được những sinh viên có năng lực tư duy tốt nhất. Nhưng GS Hóa cũng băn khoăn: “Dĩ nhiên sàng lọc kỹ, nhiều lần thì sẽ có được nguồn tuyển tốt nhất theo mong muốn của từng đơn vị, nhưng nó mất nhiều công, và tính công bằng xã hội so với một kỳ thi tuyển chung. Có thể nhiều em có kiến thức, tư duy, nhưng vì lý do nào đó, chẳng hạn như do điều kiện kinh tế - xã hội, hoặc điều kiện địa lý, mà các em không được tập dượt rèn giũa, nên kết quả không tốt bằng những em khác ở một số vòng thi riêng”.
PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận định các kỳ thi đánh giá năng lực là một xu hướng ngày càng phát triển, nhưng không thể thay thế kỳ thi có tính quốc gia. Với VN, các kỳ thi như thế chỉ phù hợp với các khu vực trung tâm, đô thị, không phù hợp cho tất cả các vùng miền, mà trách nhiệm xã hội của các trường ĐH là với toàn xã hội. Trong tương lai gần, nó chưa thể thay thế được cho một kỳ thi chung có tính chất quốc gia.
“Tôi đánh giá cao các kỳ thi đánh giá năng lực mà các ĐH quốc gia đã thực hiện hay đang thí điểm. Việc ĐH Quốc gia Hà Nội ngừng lại không tiếp tục kỳ thi đánh giá năng lực, tôi cho rằng vì nó thiếu tính khả thi về mặt đại chúng phục vụ xã hội. Vì họ chỉ tổ chức thi được ở một số thành phố lớn, có lẽ vì thế mà việc đó cũng phải cân nhắc”, PGS Triệu nhận xét.
Đánh giá toàn diện hay sở trường của thí sinh?
Các kỳ thi đánh giá năng lực thường có xu hướng kiểm tra năng lực toàn diện của thí sinh. Cách thức và nội dung đề thi thử kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 mà ĐH Quốc gia TP.HCM công bố cũng thể hiện điều đó. Quan điểm này cũng ít nhiều gây tranh cãi khi trước đến nay mọi người cho rằng tuyển sinh viên vào ĐH là phải chọn người có sở trường, năng lực phù hợp với ngành nghề đó.
Theo PGS Nguyễn Đức Hinh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, không nhất thiết phải đặt yêu cầu đánh giá toàn diện để rồi phải quá khổ sở trong việc tổ chức thi. “Đánh giá bao nhiêu môn, toàn diện đến mức nào không quan trọng, quan trọng là cuộc thi xếp hạng được và phải sòng phẳng. Vì mục đích của kỳ thi mà trong đó kết quả dùng được để tuyển sinh không phải như thi tốt nghiệp, tức là đỗ hay không đỗ, mà phải phân loại được để lấy từ cao xuống thấp”, PGS Hinh đề xuất.
PGS Hinh cho rằng trong điều kiện chưa đánh giá được toàn diện thì trước hết ưu tiên đánh giá một cách có chất lượng một số môn có khả năng bao quát tốt hơn cả năng lực của người học. “Từ thực tế tuyển sinh, đào tạo ở trường y, tôi nhận thấy năng lực gì thì năng lực, người học mà toán không giỏi thì đừng kỳ vọng vào triển vọng học giỏi của họ khi vào ĐH. Những sinh viên y giỏi nhất thường là những em có năng lực học toán tốt”, PGS Hinh cho biết.
PGS Bùi Đức Triệu cho rằng không nên đặt vấn đề là thi như bây giờ, các trường tuyển sinh theo khối, sẽ khiến học sinh học lệch. Cần phải thống nhất quan điểm là lên cấp THPT các em cần được học phân ban, được định hướng nghề nghiệp.
GS Vũ Văn Hóa đề nghị: “Kiến thức và tư duy toán là rất cần thiết vì tác động tới nhiều ngành mà sau này dù làm việc ở lĩnh vực kinh tế hay khoa học kỹ thuật cũng đều cần đến toán. Thứ hai là văn, nó là công cụ biểu đạt suy nghĩ. Rồi tùy từng lĩnh vực đào tạo mà trường có thể chọn kết quả thi các môn khoa học tự nhiên như lý - hóa - sinh, hay sử - địa để làm căn cứ đánh giá tuyển sinh”.
ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục củng cố bộ đề thi đánh giá năng lực
Năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện kỳ thi đánh giá năng lực, các đơn vị thành viên của ĐH này dùng kết quả thi đó để xét tuyển. Kỳ thi tiếp tục được triển khai cho mùa tuyển sinh năm 2016. Tuy nhiên cuối năm 2016, lãnh đạo ĐH này thông báo, với việc tuyển sinh ĐH chính quy năm 2017, ĐH này không tổ chức riêng một kỳ thi đánh giá năng lực nữa mà sẽ xét tuyển dựa trên kết quả các bài thi THPT quốc gia.
Mới đây, trao đổi với Thanh Niên, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho biết dù 2 năm nay ĐH này chọn phương án căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh nhưng việc củng cố bộ đề vẫn được thực hiện. “Để chuẩn bị cho nhiều phương án”, GS Nguyễn Đình Đức nói.
|
(còn tiếp)
Bình luận (0)