Thi THPT quốc gia: Môn địa vừa sức thí sinh xét tốt nghiệp

03/07/2016 11:18 GMT+7

Giáo viên Nguyễn Đình Tình, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) nhận xét đề thi địa giống cấu trúc đề minh họa và đề thi chính thức 2015.

Đề thi địa bám sát SGK lớp 12 và tương đối vừa sức học sinh nhất là TS chỉ xét tốt nghiệp. Phần thực hành, câu 2 sử dụng Atlat địa lý học sinh học lực trung bình có thể đạt điểm tối đa 2 điểm.
Câu 3 vẽ biểu đồ thể hiện tính phân hóa đòi hỏi TS phải xử lý dữ liệu, tính bán kính...
Câu 4 đòi hỏi TS có tính tổng hợp, vận dụng kiến thức để nêu thế mạnh các ngành công nghiệp. B.Thanh (ghi)
SVTN phát báo Thanh Niên miễn phí cho phụ huynh đang chờ TS dự thi Ảnh: Đào Ngọc Thạch
* Tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hầu hết TS đã rời khỏi phòng thi khi vừa hết hai phần ba thời gian. Đa phần đều nhận định đề thi năm nay vừa sức và không hề ngạc nhiên khi vấn đề xâm nhập mặn ở ĐBSCL thời gian gần đây vào đề thi.
TS vui vẻ khi kết thúc môn thi địa ở cụm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
TS Phạm Thị Ngọc Huyền (12A5, Trường THPT Lý thường Kiệt) chia sẻ: “Đề thi không khó, học sinh trung bình dễ dàng lấy 6-7 điểm. Nhìn chung đề thi không nằm ngoài định hướng của thầy cô khi ôn tập đúng vào các vấn đề thời sự như: Biển Đông, xâm nhập mặn…”.
Cùng nhận định, TS Nguyễn Lê Thanh Hà (12A9, Trường THPT Thạnh Lộc) phấn khởi nhìn nhận: “ Đề phân ý rõ ràng nên em chỉ cần nửa thời gian để hoàn thành. Vì khó khăn nhất trong khi ôn tập là câu vẽ biểu đồ nhưng đề thi sáng nay rất dễ “ăn” điểm với biểu đồ tròn. Em làm chắc chắn được 80% và ở mức này thì em nghĩ nhiều bạn cũng sẽ đạt được”. Nữ Vương (ghi)
* Rất nhiều TS kết thúc bài thi sớm môn địa lý. Tại HĐT Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Kim Chi (Trường THPT Nguyễn Khuyến) cho biết đề khá dễ, chỉ cần nắm vững kiến thức đã học trong SGK có thể làm được bài.
Trong đó, nhiều câu TS có thể sử dụng Atlat địa lý được mang vào bài thi để vận dụng khi làm bài.
Đặc biệt, đề có một câu hỏi về hạn chế và thế mạnh của tài nguyên đất ĐBSCL, hiện tượng đất nhiễm mặn và tác động tới sản xuất nông nghiệp. Về câu này, TS Hồng Ngọc (Trường TTGDTX quận Tân Bình) nhận định, kiến thức này đã được đề cập trong chương trình học, tuy nhiên để phân tích cặn kẽ hiện tượng nhiễm mặn và tác động của nó đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL TS cần theo dõi thời sự thời gian gần đây. Hà Ánh (ghi)
* Tại HĐT Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vừa hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều TS đã ra khỏi phòng thi. Hầu hết các TS đều nhận xét đề thi môn địa năm nay khá nhẹ nhàng.
“Em thấy đề thi chỉ có một câu học bài. Các câu còn lại TS chỉ cần hiểu vấn đề, vận dụng Atlat, biết phân tích, tổng hợp, nhận xét là làm được bài. Đặc biệt, câu cuối của đề mang tính thời sự khi hỏi về tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL”, TS Nguyễn Phạm Hồng Liên (thi tại HĐT Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận xét.
TS Phạm Thanh Hồng (thi tại HĐT Trường ĐH Sư phạm) cũng đánh giá: "Đề thi năm nay em thấy dễ hơn năm trước. Hồi trước thi địa lý tụi em rất sợ học bài nhưng giờ thấy đề thi không hỏi lý thuyết thuộc lòng nữa, không phải học thuộc lòng nhiều, chỉ cần hiểu bài là làm được. Đề thi cũng không dài, làm bài xong em vẫn còn thời gian để dò bài lại". Nguyên Mi (ghi)
* Kết thúc 180 phút thi môn địa lý, những TS thi tại cụm thi Đà Nẵng rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi.
TS Đà Nẵng hài lòng với đề thi môn địa - Ảnh: DIỆU HIỀN
"Đề địa theo em không quá đánh đố TS. Em là TS thi khối D nhưng cũng làm bài được 50-60%. Em nghĩ các bạn ôn bài kỹ môn địa thì sẽ đạt điểm cao trong môn này", TS Mai Thúy Vy, HS Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng cho biết.
TS Nguyễn Ngọc Thùy Dương, thi tại HĐT THPT Trần Phú cũng nhận xét: "Nếu biết sử dụng Atlat để làm bài sẽ có được nhiều điểm, trong đó có 2 điểm trọn vẹn trong câu 2, nên em nghĩ sẽ không có thí sinh nào bị điểm liệt môn địa nếu các bạn chỉ thi để lấy điểm xét tốt nghiệp". Diệu Hiền (ghi)
* Các TS tại Bình Định phấn khởi ra về sớm môn địa vì đề dễ. Hầu hết các học sinh chỉ làm hết 2/3 thời gian làm bài thi. Theo đánh giá của TS đề địa lý khá dễ, bám sát chương trình học, đặc biệt có câu hỏi mang tính thời sự để phân hóa TS.
TS tại Bình Định sau môn thi địa lý
TS Trần Phạm Anh Quân (ở TP.Quy Nhơn) cho biết: “Đề thi địa năm nay khá dễ. TS lo lắng nhất vẫn là phần biểu đồ nhưng đề thi yêu cầu vẽ biểu đồ tròn nên các thí sinh không còn lo lắng. Phần lớn kiến thức bám sát chương trình học phổ thông nên học sinh nắm vững kiến thức cơ bản là làm bài tốt. Riêng đề thi này em làm được 7 điểm chắc ăn”.
Còn TS Nguyễn Thị Phấn (ở huyện Hoài Nhơn) chia sẻ: “Đề địa khá dễ. Em ấn tượng nhất là câu 2 nhỏ của câu 4 mang tính thực tế cao phản ánh tính thời sự về việc xâm nhập mặn ở ĐBSCK. Với câu này, ngoài nắm vững kiến thức SGK để vận dụng làm bài thì học sinh phải theo dõi thời sự, thông tin trên báo chí”.
Cô Lục Triệu Diệu Hương, giáo viên dạy địa lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận định: “Đề địa lý năm nay có sự phân hóa tốt hơn năm ngoái, vừa đáp ứng nhu cầu thi tốt nghiệp của học sinh không xét tuyển khối C, vừa giúp phân loại học sinh thi đại học. Đề có 4 câu thì câu phân loại nằm ở câu số 4, đòi hỏi khả năng phân tích, lập luận, nắm thông tin thời sự khi đề cập vấn đề hạn hán xâm nhập mặn ĐBSCL”. Tâm Ngọc (ghi)

* Tại các điểm thi, phần lớn TS đều hoàn thành bài thi trước thời gian quy định. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM phân hiệu Quảng Ngãi (địa điểm thi dành cho các TS dự thi chỉ xét tốt nghiệp), đa phần các em đều ra khỏi phòng thi khi thời gian làm bài còn 30 phút.

TS Đỗ Thị Họa Mi, nhận xét: “ Đề thi môn địa lý vừa sức, TS dự thi chỉ xét tốt nghiệp dễ đạt điểm trung bình. Như thế là vui lắm rồi”.

Tại điểm thi Trường ĐH Phạm Văn Đồng, TS Nguyễn Lê Gia Tú (học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh), dự thi xét vào ĐH khối A1,  chia sẻ:  “Đây môn thi chỉ để xét tốt nghiệp nên em làm bài khá nhẹ nhàng, chắc cũng được 6-7 điểm”.

Trong khi đó, TS Bùi Xuân Hòa (HS chuyên địa Trường THPT chuyên Lê Khiết), cho biết đề thi có 3 câu dễ, có thể lấy được 5-6 điểm. Theo TS Hòa, từ câu 3b trở đi có sự phân hóa cao. “Năm nay đề thi môn địa có cấu trúc khá giống như năm ngoái nhưng mức độ khó hơn. TS phải hiểu cả vùng, ngành và nắm bắt được vấn đề thời sự mới giải thích được”, TS Hòa thổ lộ. Hiển Cừ (ghi)

* Khác với mấy môn thi đầu, sáng 3.7, nhiều thí sinh (TS) ở Lâm Đồng rời trường thi môn địa lý với tâm trạng phấn khởi, thoải mái vì đề thi dễ.
Các TS hoàn thành môn thi địa lý sáng nay Ảnh: G.Bình
TS.Nguyễn Thị Hòa (thi tại điểm thi ĐH Đà Lạt 1), vui vẻ: “Đề thi môn địa lý năm nay dễ, em làm bài được hết, ước được khoảng 7-8 điểm. Theo em, đề thi năm nay ra sát với chương trình phổ thông, được ôn tập khá kỹ, nên chắc nhiều bạn được điểm khá”.
Cùng tâm trạng, TS Trần Văn Nghĩa (thi tại điểm thi THCS & THPT Tây Sơn - TP.Đà Lạt), chia sẻ: “Với đề thi này, nếu vận dụng Atlat tốt và có khả năng phân tích, tổng hợp là làm dư điểm trung bình”. Gia Bình (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.