“Chỉ có nắm vững kiến thức, đọc rộng, đào sâu mới có thể giúp bạn đạt điểm cao. Kỹ năng làm bài chỉ chiếm 5% mà thôi”. Đó là lời khẳng định chắc nịch của Hồ Thanh Nhân, thủ khoa 2018 ở khối D1 của Trường ĐH Luật TP.HCM khi đưa ra lời khuyên với thí sinh thi THPT quốc gia.
Đào sâu kiến thức vì kỹ năng làm bài chỉ chiếm 5%
Nhân chia sẻ, trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh không cần học theo kiểu thuộc lòng, nhất là kiến thức ở những môn trắc nghiệm. “Hãy sử dụng tư duy. Muốn tư duy dược thì trước tiên các bạn phải nắm vững bài học từ đầu năm lớp 12 bằng cách tập trung nghe giảng ở trên lớp, sau đó về nhà hệ thống lại những kiến thức cơ bản. Mình không đi học thêm, cũng không giải bất cứ đề thi nào vì điều đó chỉ giúp bạn xác định được khả năng mình được bao nhiêu điểm chứ không giúp bạn đạt được điểm cao. Mình giành thời gian đó để đào sâu kiến thức. Ở môn toán, mình vào những diễn đàn toán học để tìm hiểu thêm, còn tiếng Anh thì mình đọc báo nước ngoài, tìm hiểu những cấu trúc ngữ pháp mà mình quan tâm. Môn sử, địa, giáo dục công dân thì đọc kỹ sách giáo khoa, chủ động đặt câu hỏi rồi có thể lên mạng tìm kiếm câu trả lời, rất đơn giản mà hữu ích”, Thành Nhân cho biết.
Nhân lưu ý thí sinh thi THPT quốc gia khi làm bài trắc nghiệm thì cố gắng tìm sự khác biệt giữa các đáp án vì các đáp án chỉ khác nhau có khi chỉ 1 -2 từ. Sau khi phân biệt sự khác nhau thì vận dụng kiến thức mình đã học để xác định câu trả lời đúng. “Hơn nữa, kinh nghiệm của mình là cứ làm bài trắc nghiệm theo trình tự vì số lượng câu rất nhiều, mức điểm của các câu là như nhau, nhiều khi chọn câu dễ trước sau đó quên không quay lại. Còn bài tự luận thì mình đọc qua câu hỏi rồi chọn câu nào mà mình có nhiều ý tưởng nhất thì làm trước”, Nhân chia sẻ.
Ăn đủ no, ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái
Vũ Thị Kim Ngân, thủ khoa 2018 ở khối C của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với mức điểm 25,5, cũng cho hay: “Đến thời điểm này không còn quá nhiều thời gian nữa, vì thế các bạn cần xác định được mình nắm được bao nhiêu phần trăm kiến thức, những kiến thức nào mình còn hụt thì tập trung ôn. Các môn xã hội thường ra những câu hỏi “mẹo” với những đáp án na ná nhau, vì vậy các bạn phải đọc thật kỹ đề”.
|
Kim Ngân cho rằng trong quá trình ôn, thí sinh thi THPT quốc gia không nên quá miệt mài mà quên cho đầu óc nghỉ ngơi, thư giãn. Chằng hạn nếu thức khuya học thì thi thoảng phải dừng lại nghe một bản nhạc, uống một ly nước sau đó mới học tiếp. Để có thêm sức khỏe, Kim Ngân khuyên “đàn em” nên tập thể dục đều đặn vào mỗi buổi sáng. “Trước ngày thi các bạn nên ăn đủ no, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thật bình tĩnh thì mới có thể làm bài tốt”, Kim Ngân chia sẻ.
|
Trong khi đó, Trần Thị Mỹ Nhi, thủ khoa 2018 ở khối D của Trường ĐH Tài chính – Marketing, nêu kinh nghiệm, do Nhi không tự tạo áp lực cho mình, chủ yếu trong quá trình học phải nắm vững kiến thức ở trên lớp, nên những ngày nước rút Nhi vẫn rất thoải mái, không thức quá khuya mà chỉ chọn thời điểm ôn vào buổi sáng. Khi đi thi, Mỹ Nhi có tâm lý rất nhẹ nhàng, không lo lắng căng thẳng về điểm số, vì vậy hiệu suất làm bài rất cao và điểm thi vì thế cũng… không hề thấp.
Thí sinh thi THPT quốc gia cũng được Trịnh Đình Văn, thủ khoa khối C của Trường ĐH Luật TP.HCM, khuyên không nên đặt nặng vấn đề thi cử và điểm số... Văn cho rằng: “Về sức khoẻ, các bạn nên hoạt động thể dục thể thao nhẹ, có thể áp dụng phương pháp thiền định để giảm căng thẳng... Phải có một tinh thần thật tốt, thật sảng khoái trước khi thi thì mới đủ minh mẫn để làm bài tốt nhất”.
Bình luận (0)