Thi tốt nghiệp THPT: Cách phân bổ thời gian ôn thi để đạt kết quả tốt

Lê Thanh
Lê Thanh
17/06/2020 18:42 GMT+7

Học sinh lớp 12 đang trong thời gian ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Vậy cách phân bổ thời gian học tập và ôn thi như thế nào cho hợp lý để đạt kết quả tốt?

Học nhóm, học được cách làm hay từ các bạn

Đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liên tiếp ở bậc THPT, Nguyễn Thúy Anh (lớp 12A1, Trường THPT Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Em đang tập trung ôn các môn khối B gồm toán, hóa, sinh để sau khi thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, em sẽ lấy điểm xét tuyển vào Khoa Y của ĐH Quốc gia TP.HCM”.
Chia sẻ về cách phân bổ thời gian học tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Thúy Anh nói: “Sau khi học trên lớp, em dành thời gian buổi chiều khoảng 4 tiếng và 3 tiếng buổi tối để ôn tập môn toán, hóa, sinh. Vì lượng kiến thức của mỗi môn khá nhiều nên em sẽ dành nhiều thời gian cho môn nào còn yếu hơn. Cụ thể, môn nào học tốt nhất em sẽ dành 1 tiếng rưỡi để học, môn khá hơn thì dành khoảng 2 tiếng và môn cảm thấy mình còn yếu thì em dành thời gian 3 tiếng rưỡi để học. Buổi sáng, em thường thức dậy khoảng 4 giờ để học và làm bài trên lớp”.

Thí sinh kiểm tra lại kết quả với bạn bè sau khi kết thúc môn thi bên ngoài cổng trường thi

Lê Thanh

Nói thêm về cách học từng môn, Thúy Anh cho biết: “Mỗi khi giải đề hay bài tập thì em thường chú trọng vào phần lý thuyết vì phần này chiếm nhiều điểm, thời gian còn lại em thường dành để lưu ý các câu mình hay bị sai để làm lại và lên mạng xem các video giảng bài sáng tạo của các thầy cô dạy giỏi”.
Theo Thúy Anh, thời điểm này em không đi học thêm nữa mà sắp xếp thời gian để tự học và chọn cách học nhóm cùng các bạn. “Em nghĩ học thêm có cái hay nhưng chủ yếu là nỗ lực của bản thân mình là chính. Khi học nhóm, mỗi người giỏi một vài môn sẽ dễ hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời em cũng tiếp thu được nhiều phương pháp, cách làm hay và dễ hiểu từ các bạn... ”.

Thí sinh cùng cô giáo xem lại cách làm bài trong kỳ thi THPT quốc gia 2019

Lê Thanh

Bàn về cách ôn thi, Đỗ Ngọc Thành Danh, thí sinh có tổng điểm 3 môn khối A 28,15 (toán 9,4 điểm; lý 9,25 điểm; hóa 9,5 điểm) trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, hiện là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, chia sẻ: “Cách học của mình là học từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu đã nắm chắc kiến thức nền tảng thì việc tiếp cận các bài toán khó trở nên dễ dàng hơn. Mình thấy các bạn thường bỏ qua kiến thức trong sách giáo khoa nhưng việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa rất quan trọng. Riêng về phần bài tập, mình thường tìm tài liệu từ các thầy cô trong trường, các trang web uy tín trên mạng...”.
Nói về thời gian biểu của mình, Danh cho biết: “Trong giai đoạn ôn thi, mình thường dành 4-6 tiếng mỗi ngày cho việc học và ưu tiên thời gian nhiều hơn cho các môn học mình cảm thấy học chưa tốt”.

Chia nhiều bữa nhỏ và đầy đủ chất

Theo chuyên viên tâm lý, thạc sĩ Giáo dục Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, để có được tâm lý tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, các bạn học sinh cần có sự chuẩn bị thật tốt những yếu tố sau đây: Đối với sức khỏe, các em nên lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt và đặc biệt là giấc ngủ.
"Trong việc ăn uống, cần chia ra nhiều bữa nhỏ đa dạng và đầy đủ chất nhằm cung cấp kịp thời năng lượng cho não bộ và cơ thể các em trong những ngày ôn thi. Còn về giấc ngủ, phải đảm bảo ngủ đủ giấc, ngủ sâu và ngủ đúng giờ, tránh việc thức khuya vì rất có hại cho sức khỏe. Chất lượng giấc ngủ ngoài việc giúp cơ thể nghỉ ngơi tái tạo năng lượng, còn giữ cho các em được tỉnh táo và minh mẫn hơn, học bài tiếp thu đạt hiệu quả cao hơn”, thạc sĩ Dạ Thảo chia sẻ.
Còn về kiến thức, thạc sĩ Dạ Thảo cho biết: “Các em nên ưu tiên sử dụng các phương pháp hệ thống kiến thức để hiểu nội dung thay vì học thuộc lòng. Muốn làm tốt điều này, các em học sinh cần có kế hoạch hợp lý thời gian ôn từng môn học, không học dồn, học lệch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.