Thi tốt nghiệp THPT, trường ĐH 'rút' khỏi khâu coi và chấm thi: Có đáng lo ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
21/05/2020 07:58 GMT+7

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT dự kiến áp dụng từ kỳ thi năm 2020 rút toàn bộ 'người của trường ĐH' ra khỏi các khâu coi thi, chấm thi, dù nhiều trường vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh .

Dự kiến sau khi công bố dự thảo lấy ý kiến khoảng 1 tuần, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức.

Bổ sung trường ĐH vào lực lượng thanh tra của bộ

Dù theo dự thảo quy chế, một trong những mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là “các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh”, nhưng trường ĐH sẽ không còn tham gia vào bất cứ khâu nào của quy trình tổ chức thi tại địa phương.
Cụ thể, nếu như các năm trước và đặc biệt là năm 2019, với kỳ thi THPT quốc gia, có tới 50% số giám thị được điều động về các địa phương để coi thi; các trường ĐH lớn được giao chủ trì việc chấm thi trắc nghiệm, thì năm nay, lực lượng này đã rút hoàn toàn khi kỳ thi đổi tên thành thi tốt nghiệp THPT.

Dự kiến đăng ký dự thi từ 15.6

Sau khi ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về các khâu trong kỳ thi này, trong đó có việc hướng dẫn TS đăng ký dự thi. Được biết, trong hướng dẫn Bộ GD-ĐT đang xây dựng, dự kiến TS sẽ đăng ký dự thi từ ngày 15.6. 
Dự thảo quy chế quy định UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại địa phương. Các tỉnh sẽ thành lập các hội đồng thi, do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả thí sinh (TS) của tỉnh; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tất cả các khâu tổ chức kỳ thi: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trước những băn khoăn về việc trường ĐH không tham gia vào khâu coi thi và chấm thi, làm thế nào để đảm bảo kết quả của kỳ thi là khách quan, công bằng, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết các quy định về quy trình coi thi, chấm thi, lắp camera giám sát khu vực bảo quản bài thi, chấm thi… về cơ bản vẫn giữ như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ GD-ĐT xây dựng và sẽ triển khai là tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Theo ông Trinh, năm nay, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở GD-ĐT, sẽ có thanh tra của tỉnh cùng thực hiện thanh tra các khâu của kỳ thi, từ in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, công tác coi thi và chấm thi. Ông Trinh nhấn mạnh tuy không tham gia trực tiếp vào khâu coi thi, chấm thi nhưng cán bộ của các trường ĐH sẽ được bổ sung vào lực lượng thanh tra của Bộ để giám sát các khâu của kỳ thi.

Yêu cầu các tỉnh công khai minh bạch phổ điểm thi

Cũng theo ông Trinh, cán bộ coi thi sẽ là giáo viên của tỉnh với sự đổi chéo giữa các trường trong tỉnh. Cụ thể, trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng thuộc một trường phổ thông; mỗi phòng thi bảo đảm bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau. Tất cả các thành phần trong điểm thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi nếu có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm tổ chức thi.
Bộ tiếp tục chỉ đạo chấm bài thi trắc nghiệm bằng máy tính với phần mềm chung của Bộ, có sự giám sát của hệ thống camera để đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, ngăn chặn tối đa gian lận, tiêu cực. Địa phương chủ trì công tác chấm thi với quy trình chặt chẽ, có sự giám sát của con người và thiết bị kỹ thuật. Thêm nữa, toàn bộ dữ liệu chấm thi (dữ liệu quét ảnh gốc, dữ liệu trung gian… sẽ được mã hóa và gửi về Bộ để giám sát; chấm đối sánh khi cần thiết…).
“Đặc biệt, năm nay Bộ yêu cầu các tỉnh công khai minh bạch phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các TS qua hệ thống dữ liệu điện tử để Bộ làm căn cứ đối sánh, đánh giá kết quả thi”, ông Trinh cho hay.

Điểm kỳ thi chiếm 70% tổng điểm xét tốt nghiệp THPT

Dự thảo quy chế nêu kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học); bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đối với TS học chương trình giáo dục THPT hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lý đối với TS học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do TS tự chọn. TS học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do TS tự chọn. TS giáo dục thường xuyên có thể dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh. TS đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Theo dự thảo quy chế, điểm thi của 4 bài thi bắt buộc sẽ chiếm tỷ trọng 70% trong tổng điểm xét tốt nghiệp THPT; 30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 của TS, cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.