Thủ khoa kể chuyện học

25/10/2015 06:39 GMT+7

Thủ khoa tốt nghiệp ĐH là chuyện không phải dễ với bất cứ sinh viên nào. Thế nhưng, có nhiều gương mặt xuất sắc đã vượt qua khó khăn để được vinh danh. Hãy nghe họ chia sẻ về kinh nghiệm học tập để đạt kết quả cao.

Thủ khoa tốt nghiệp ĐH là chuyện không phải dễ với bất cứ sinh viên nào. Thế nhưng, có nhiều gương mặt xuất sắc đã vượt qua khó khăn để được vinh danh. Hãy nghe họ chia sẻ về kinh nghiệm học tập để đạt kết quả cao.

Từ trái sang, từ trên xuống: Nguyễn Thị Ái Kỳ, Nguyễn Thị Hằng, Đoàn Ngọc Tuân, Trương Hoàng Tố Nga - Ảnh: N.V.C.CTừ trái sang, từ trên xuống: Nguyễn Thị Ái Kỳ, Nguyễn Thị Hằng, Đoàn Ngọc Tuân, Trương Hoàng Tố Nga - Ảnh: N.V.C.C
Chủ động nghiên cứu khoa học
Sáng 24.10, Hội Sinh viên TP.HCM tổ chức chương trình “Vinh danh thủ khoa năm 2015”. Ban tổ chức tuyên dương 85 thủ khoa (39 thủ khoa đầu vào và 46 thủ khoa đầu ra). Bí thư T.Ư Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN Lê Quốc Phong đến dự.
Đoàn Ngọc Tuân, thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với điểm số 9,02, điểm Anh văn TOEIC 945, chia sẻ: “Có những điều mà thầy cô không dạy hay giáo trình không có, nhưng khi đụng vào tình huống đó mình lại giải quyết được do đã nghiên cứu trước đây rồi. Vì vậy, với mình nghiên cứu khoa học không những là phương pháp học tập rất hiệu quả mà còn mang lại nhiều kỹ năng như: trình bày văn bản, quản lý thời gian, đọc báo cáo tài chính, lọc số liệu”, Tuân nói.
Nói về cách học tiếng Anh đạt kết quả cao, Tuân bộc bạch: “Trong giai đoạn đầu, mình thường đặt mục tiêu mỗi ngày nghe và đọc bao nhiêu đoạn, viết những gì, tập phát âm ra sao… sau đó để bản thân tự hòa nhập như một thói quen. Học tiếng Anh cũng nên tiếp thu một cách tự nhiên như: đọc báo, nghe nhạc, xem phim hoạt hình hay nhắn tin, nói chuyện, viết email bằng tiếng Anh”.
Còn Nguyễn Thị Hằng, thủ khoa của Trường ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2) với số điểm 8,93/10 cũng có cách học đáng tham khảo. Đó là, trên lớp Hằng tóm tắt ghi lại ý chính bài giảng cho dễ nhớ, hệ thống bài học theo đề cương. Bên cạnh đó, tranh thủ “học lóm” những cái hay từ bạn bè và những anh chị khóa trên thông qua các buổi giao lưu học thuật, báo cáo chuyên đề. Đặc biệt, mỗi ngày bạn thường đặt ra mục tiêu học bao nhiêu phần và luôn cố gắng hoàn thành mục tiêu đó.
Bên cạnh việc học, Hằng còn đam mê các hoạt động ngoại khóa. “Nhiều bạn cứ nghĩ tham gia các hoạt động đoàn thể sẽ làm ảnh hưởng tới việc học. Nhưng suy nghĩ đó chỉ đúng khi các bạn ấy không sắp xếp được quỹ thời gian hợp lý để cân bằng giữa việc học và hoạt động tập thể. Nên nhớ, khi làm bất cứ việc gì hãy đặt ra mục đích phấn đấu cho bản thân, có như vậy mới có thêm động lực để về đích trong trạng thái tốt nhất”, Hằng khuyên.
Giữ thói quen soạn bài trước
Trương Hoàng Tố Nga, thủ khoa ngành du lịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, với điểm số 8,64 cho rằng: “Thường khi vào học ĐH, sinh viên không còn giữ thói quen soạn bài như thời học phổ thông. Tuy nhiên, tâm lý của thầy cô luôn yêu thích những học trò có một tâm thế chuẩn bị một chút về bài vở trước khi bước vào giảng đường. Nếu làm được điều đó, trong quá trình thầy cô giảng bài chúng ta sẽ nắm nhanh vấn đề”.
Nói về sự thành công bước đầu của mình, Nga cho rằng: “Với tôi, mục tiêu thủ khoa đầu ra là điều mà tôi đã xác định và đề ra trong kế hoạch học tập. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực và cố gắng để hoàn thành mục tiêu đó”.
Còn Nguyễn Thị Ái Kỳ, thủ khoa ngành thuế - hải quan (Trường ĐH Tài chính - Marketing) với số điểm 8,03 thổ lộ: “Luôn nghiêm túc làm theo thời gian biểu mình đã xây dựng, tự phân loại và nói không với những hoạt động không mang lại kiến thức cho bản thân”.
Theo Ái Kỳ, kiến thức trên lớp chỉ mang tính định hướng, để hiểu sâu môn học, việc tự học là rất cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.