Thưởng 200 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế

30/10/2017 20:04 GMT+7

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa công bố mức thưởng cho bài báo công bố quốc tế lên tới 200 triệu đồng/bài. Đây là mức thưởng cao nhất tính đến thời điểm hiện tại dành cho hoạt động này của trường ĐH.

Nhiều trường đã áp dụng

GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa ký văn bản thực hiện các giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế. Theo đó, trường này đã điều chỉnh số tiền thưởng bài báo công bố quốc tế với nhiều mức khác nhau.

Cụ thể, mức thưởng cao nhất lên tới 200 triệu đồng/bài trên tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc Scopus có chỉ số trích dẫn IF lớn hơn 2. Cùng loại tạp chí này nhưng có chỉ số IF lớn hơn 1 được thưởng 150 triệu đồng và có IF dưới 1 được thưởng 100 triệu đồng. Bài báo Scopus được Scimago xếp hạng từ Q4 đến Q2 thưởng từ 30-80 triệu đồng/bài. Chính sách này sẽ áp dụng đến hết năm 2020.

Bên cạnh đó, trường cũng điều chỉnh quy trình chấp thuận bài báo theo hướng khuyến khích công bố quốc tế như: đơn giản hóa thủ tục đăng ký, không thành lập hội đồng xét tuyển, khi có bài báo công bố (bản mềm hoặc cứng) sẽ được thanh toán toàn bộ kinh phí hỗ trợ tương ứng.

Trước đó nhiều trường ĐH đã ban hành chính sách thưởng tương tự.

Theo quy định của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), giảng viên có trình độ giáo sư phải 2 bài báo quốc tế/năm; phó giáo sư 1,5 bài/năm; tiến sĩ 1 bài/năm và thạc sĩ 1 bài/2 năm. Giảng viên có công bố khoa học vượt quy định này được thưởng 1.500 USD/bài báo quốc tế ISI (hơn 30 triệu đồng). Chính sách này đã được áp dụng nhiều năm nay.

Số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế của Trường ĐH Quốc tế năm 2014 là 110 bài, năm 2015 là 132 bài, 2016 là 131 bài và đến tháng 9 năm nay là 115 bài.

Năm 2016 ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có chính sách hỗ trợ công bố công trình khoa học quốc tế cho giảng viên, nghiên cứu viên và người học. Theo đó mức hỗ trợ cho 1 công bố quốc tế dành cho tác giả chính, tác giả liên hệ (người hướng dẫn, chủ nhiệm đề tài) từ 16-30 triệu đồng; tác giả phụ từ 8-16 triệu đồng (tùy loại tạp chí).

Tháng 9 vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố chính sách mới hỗ trợ công bố quốc tế và đăng ký quyền sơ hữu trí tuệ cho người học. Theo đó, mức hỗ trợ cho ấn phẩm công bố với tác giả đứng đầu, tác giả liên hệ từ 12-50 triệu đồng/bài và đồng tác giả từ 6-25 triệu đồng/bài (tùy theo loại tạp chí). Các chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ từ 10-50 triệu đồng.

Chính sách này có hiệu quả?

Từ năm 2015, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã công bố chính sách thưởng lên tới 150 triệu đồng/1 bài công bố trên tạp chí ISI hoặc Scopus. Nhưng trong thông báo thì sau thời gian trường triển khai một số giải pháp và chính sách thúc đẩy nghiên cứu hàn lâm, công bố quốc tế, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng qua các năm. Tuy nhiên theo thống kê chỉ có khoảng 15% tổng số giảng viên của trường tham gia.

Cũng theo thống kê của trường này, số bài báo quốc tế của trường ở giai đoạn 2011-2015 là 63 bài, riêng năm 2016 có 44 bài và đến tháng 10.2017 có 39 bài.

PGS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết chính sách thưởng này đã có tác động nhất định đến kết quả công bố quốc tế nhưng chưa như kỳ vọng. Vì vậy ở chính sách mới, ngoài khuyến khích giảng viên có công bố quốc tế trường còn hướng đến những công bố có chất lượng cao.

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho rằng công bố khoa học quốc tế của trường tăng liên tục trong 10 năm nay. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả của riêng chính sách thưởng mà từ nhiều yếu tố khác như: chất lượng đội ngũ, môi trường nghiên cứu… Việc thưởng tiền chỉ là chính sách khuyến khích những giảng viên hoàn thành nhiệm vụ theo quy định.

Trong khi đó, Trường ĐH Duy Tân lại thực hiện chính sách khác để khuyến khích đội ngũ thực hiện nhiệm vụ công bố quốc tế.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết thay vì đưa ra mức thưởng trực tiếp cho các công bố quốc tế thì trường sẽ trả lương cao cho các nhà nghiên cứu.

Ông Hải cho biết, có những cán bộ nghiên cứu được trả lương cao hơn so với ban giám hiệu. Tuy nhiên, sau 1-2 năm không có công bố quốc tế, người này sẽ được chuyển qua làm nghiên cứu trong nước với mức lương thấp hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.