Tiêu chí chọn sách giáo khoa trên thế giới

20/02/2021 10:54 GMT+7

Tại nhiều nước, vấn đề kiến thức và hiệu quả giảng dạy được chú trọng hơn, trong khi tài liệu giảng dạy có thể linh động, đa dạng và không mang tính bắt buộc hay gói gọn chỉ trong một bộ sách giáo khoa duy nhất.

Tại Hàn Quốc, trường học các cấp chọn sách giáo khoa (SGK) theo danh mục được Bộ Giáo dục ban hành, bao gồm cả sách do Bộ Giáo dục biên soạn, sách được Bộ Giáo dục cấp phép sử dụng. Theo tờ The Korea Herald, Bộ Giáo dục Hàn Quốc có kế hoạch cho phép những nhà xuất bản tư nhân xuất bản SGK điện tử liên quan đến các môn xã hội và khoa học cho học sinh lớp 3 - 4 vào năm 2022 và các lớp cao hơn kể từ năm 2023, song những loại sách này cần được Bộ Giáo dục cấp phép trước khi đưa vào sử dụng trong nhà trường.
Tại Đức, Bộ Giáo dục hằng năm ban hành danh mục các cuốn SGK được sử dụng trong nhà trường. Sau đó, các trường phổ thông căn cứ vào danh sách từ Bộ Giáo dục để lựa chọn những bộ sách phù hợp. Mỗi năm, các trường ở Đức có danh mục những cuốn SGK cần phải mua và phụ huynh học sinh có trách nhiệm mua cho con em mình.
Theo kênh Deutsche Welle, chính quyền liên bang Đức quy định số tiền tối đa mà cha mẹ học sinh bỏ ra để mua SGK cho con. Điều này nhằm hạn chế việc nhà trường “bắt tay”cùng các nhà xuất bản kê ra loạt sách buộc phụ huynh phải mua hết. Chẳng hạn tại thủ đô Berlin, số tiền phụ huynh chi để mua SGK cho con không được quá 100 euro (khoảng 2,8 triệu đồng) cho mỗi học sinh/năm học. Do vậy nhà trường phải cân nhắc chọn những SGK thiết yếu nhất cho học sinh chứ không phải mua mọi danh mục SGK có trên thị trường.
Tại Pháp, SGK phải được biên soạn theo chương trình giáo dục được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, trong trường học các cấp, giáo viên sẽ đưa ra các tiêu chí rõ ràng để chọn lựa sách. Các SGK được hội đồng sư phạm (hội đồng của tất cả giáo viên môn học liên quan) phê duyệt sẽ được chọn dạy cho học sinh.
Tại trường công các cấp ở Mỹ, một hội đồng giáo dục địa phương sẽ bỏ phiếu chọn những SGK cần mua từ danh sách đã được Bộ Giáo dục duyệt. Giáo viên nhận sách và phát cho học sinh theo từng bộ môn. Tuy nhiên, các giáo viên thường không bị bắt buộc phải sử dụng SGK nên nhiều người sử dụng các tài liệu khác như video, các hoạt động nhóm... để giảng dạy.
Tại Nhật, việc sử dụng SGK là bắt buộc ở trường phổ thông, theo tờ The Japan Times. Các nhà xuất bản tư nhân biên soạn và nộp lên Bộ Giáo dục xem xét để chọn ra những sách được sử dụng trong nhà trường. Thông thường, các cơ quan phụ trách giáo dục địa phương của Nhật sẽ chọn SGK để đưa vào nhà trường.
Tại Singapore, các trường học có thể chọn SGK từ những danh mục chính thức sao cho phù hợp với học sinh của mình.
Tại Thái Lan, các bộ SGK do Bộ Giáo dục và các nhà xuất bản tư nhân tổ chức biên soạn và xuất bản. SGK sử dụng trong nhà trường các cấp đều phải được Ủy ban Giáo dục cơ bản Thái Lan (OBEC) thẩm định, theo researchgate.net. OBEC thuộc Bộ Giáo dục Thái Lan có nhiệm vụ tổ chức kiểm định, cấp giấy chứng nhận cho phép SGK lưu hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.