Trung tâm dạy nghề xây dựng 42 tỉ, đào tạo… 48 học sinh

12/05/2017 07:11 GMT+7

Trung tâm dạy nghề , hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê (Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng hơn 42 tỉ đồng nhưng hiện chỉ có 48 học sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên.

Trung tâm được xây dựng trên diện tích hơn 35.000 m2, gồm 5 phòng học lý thuyết, ký túc xá, nhà xưởng thực hành, nhà thực nghiệm…, được đưa vào sử dụng từ tháng 9.2014. Theo quy hoạch, trung tâm có khả năng đào tạo nghề sơ cấp và trung cấp cho 600 học sinh/năm. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, chỉ có 130 em theo học. Sang năm học 2015 - 2016 giảm xuống còn 86 em và đến năm học 2016 - 2017 chỉ còn 48 em. Do vắng bóng người học nên nhiều hạng mục lớn tại trung tâm không sử dụng đến, bỏ hoang.
Theo ghi nhận của PV, chỉ có khu vực phòng học lý thuyết và nhà hiệu bộ của trung tâm là đang hoạt động, các khu còn lại đều đóng cửa im ỉm. Dãy nhà học lý thuyết 2 tầng gồm 5 phòng học nhưng có 2 phòng bị bỏ không lâu ngày, cửa kính vỡ nhiều ô, bàn ghế bám đầy bụi bẩn. Tại khu nhà xưởng thực hành ngành nghề may và cơ khí, 2 dãy nhà thực nghiệm… nước ứ đọng, rêu mốc bám đầy. Dãy nhà ký túc xá được xây dựng hoành tráng 3 tầng với 24 phòng đang bỏ hoang, xung quanh cỏ mọc xen lẫn cây keo che kín lối vào. Sàn nền và tường nhà để xe, nhà vệ sinh... đều bị bong tróc, xuống cấp nghiêm trọng.

tin liên quan

Hai lựa chọn cho học sinh chọn học nghề
Theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, kỳ tuyển sinh năm nay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ linh hoạt, cởi mở tạo điều kiện cho người học...
Ông Đoàn Văn Dương, Giám đốc trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê cho biết: “Số lượng học sinh bỏ học tăng lên theo từng năm. Đến năm học này, cả trường chỉ còn lại 48 em theo học hệ giáo dục thường xuyên, chia làm 3 lớp 10, 11, 12. Các hạng mục công trình tại trung tâm bị xuống cấp một phần do đơn vị thi công, một phần do không sử dụng đến”.
Ông Hoàng Công Lý, Phó chủ tịch UBND H.Hương Khê thừa nhận, khi xây dựng dự án đã không tính toán sát thực tế về quy mô đào tạo, không tính đến lâu dài. Các nghề được đào tạo hiện không thu hút được người học vì học ra không có việc làm và khó áp dụng vào thực tiễn. “Chúng tôi đã gửi văn tới các địa phương giới thiệu về các ngành nghề đào tạo nông thôn như chăn nuôi, thú ý, trồng trọt… sát với nhu cầu thực tế để thu hút học sinh”, ông Lý nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.