Trường CĐ lo khi bỏ điểm 'sàn' ĐH

17/12/2016 07:20 GMT+7

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm “sàn” ĐH gây ra nhiều quan điểm khác nhau trong các trường CĐ.

Nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ khiến nguồn tuyển ngày càng hẹp dẫn đến nguy cơ mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực trong tương lai.
Phân luồng không còn ý nghĩa
Bà Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, cho biết: “Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, các trường CĐ thuộc bộ này tuyển sinh sụt giảm theo từng năm, một phần ảnh hưởng rất lớn bởi các chủ trương, chính sách tuyển sinh ĐH. Chẳng hạn năm 2013 - 2014 các trường vẫn đạt 60% chỉ tiêu, nhưng đến năm 2015 - 2016 chỉ được hơn 40%, năm học này tiếp tục thấp hơn. Rõ ràng, việc các trường ĐH được xét tuyển bằng học bạ đã khiến trường CĐ lao đao. Đến năm 2016 - 2017, nếu bỏ hẳn điểm sàn thì coi như hầu hết các trường CĐ sẽ không còn nguồn nào để tuyển”.
Bà Vân cho rằng việc bỏ điểm sàn là không sai luật, các trường ĐH có quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng nếu xét trên toàn bộ hệ thống thì việc này sẽ gây mâu thuẫn đối với một số chủ trương, chính sách chung. Chẳng hạn chủ trương phân luồng học sinh.

Phó hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cũng lo ngại sẽ không thể phân luồng vì tâm lý người học vẫn hướng đến bậc ĐH. “Tư tưởng này ăn sâu vào trong nếp nghĩ từ bao đời nay. Lẽ ra, chúng ta phải có những định hướng, cách làm đồng bộ để thay đổi nhận thức của người học, thì nay chủ trương nọ mâu thuẫn, đi ngược với chủ trương kia. Đã đặt ra các bậc học thì cũng phải đặt ra các yêu cầu về đầu vào và cách đào tạo khác nhau. Như vậy thì mới đảm bảo được việc phân luồng”.
Nhân lực bậc CĐ, trung cấp sẽ ngày càng thiếu hụt
Bà Vân cho rằng việc bỏ điểm “sàn” ĐH có thể không có ý nghĩa với những trường ĐH chất lượng tốp trên, nhưng lại rất quan trọng đối với các trường tốp dưới, trường ngoài công lập. “Nếu chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện học ĐH thì thí sinh sẵn sàng vào ĐH. Điều đó kéo theo rất nhiều hệ lụy. Các em và ngay cả phụ huynh vẫn chưa nhận thức được năng lực nào thì chọn bậc học nào cho phù hợp, nhu cầu xã hội đang cần lao động bậc học nào?... Năng lực yếu mà vẫn để các em học ĐH thì sẽ không theo nổi và bỏ giữa chừng, rất lãng phí cho xã hội và cả bản thân người học”, bà Vân nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Phạm Châu Thành, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho biết: “Chúng tôi không quá lo lắng về việc này. Tuy nhiên, trước khi thay đổi Bộ GD-ĐT cần phải xem xét thật kỹ những tác động của nó đến tình hình chung. Có thể không cần hạn chế nguyện vọng và số trường, nhưng điểm tối thiểu để vào ĐH cần phải có. Nếu không, cách làm này sẽ là một nghịch lý, thả cửa cho trường ĐH chất lượng kém nhưng lại thắt chặt đối với trường CĐ tốt”.

tin liên quan

Không còn môn nào bắt buộc ở lớp 11, 12?
Tiến độ và cách thức chuẩn bị thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông từ năm 2018 là vấn đề được các chuyên gia hàng đầu về GD-ĐT quan tâm, khi mà chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa phải triển khai đại trà.

Điều mà nhiều người lo lắng nhất đó là về lâu dài, nếu chủ trương này được thực hiện thì có thể người học CĐ sẽ ít đi, các trường có nguy cơ tuyển không được sẽ đóng cửa. Lúc đó, nguồn lao động tốt nghiệp CĐ và nhân lực có kỹ năng nghề sẽ không đủ để cung cấp cho xã hội. Trên thực tế, cơ cấu nhân lực các trình độ hiện đã mất cân bằng do người tốt nghiệp ĐH nhiều, ra trường thất nghiệp trong khi xã hội cần người học nghề lại ít người theo học.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định: “Hằng năm, doanh nghiệp đến trường chúng tôi tuyển nhân sự, chú trọng người học bậc CĐ và trung cấp rất nhiều. Điều đó cho thấy nhu cầu nhân lực các bậc học này luôn cao. Tốt nhất là thí sinh đăng ký học nghề nếu xét thấy năng lực và điều kiện không phù hợp với học ĐH”.

CĐ dự kiến vẫn giữ điểm “sàn”
Trong khi ĐH dự kiến bỏ điểm “sàn” thì dự thảo thông tư quy định quy chế tuyển sinh của Bộ LĐ-TB-XH vẫn yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với bậc CĐ. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, từ đó các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 5,5. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Ý kiến:
“Mở” là tốt nhưng có duy trì được chất lượng ?
Về nguyên tắc, cứ “mở” ra là tốt. Tốt cho tất cả các bên có lợi ích liên quan. Các trường đang tuyển ngang mức điểm sàn mà vẫn thiếu chỉ tiêu thì giờ có cơ hội tuyển được nhiều hơn nhờ nguồn tuyển mở hơn. Thí sinh thì yên tâm hơn, bởi cùng điểm đó năm ngoái không được học ĐH thì năm nay được mở ra cơ hội học ĐH. Mỗi băn khoăn là mở như vậy liệu có đẩy được chất lượng đào tạo lên, hoặc chí ít là có duy trì được mức hiện nay không?
Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT)
Mở rộng tự chủ
Tuyển sinh ĐH bỏ hay không bỏ điểm “sàn” thì ảnh hưởng tới nguồn tuyển chung của các trường ĐH tốp dưới, các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp không có gì đáng kể. Đâu phải năm nay mới bỏ sàn ĐH? Từ mấy năm nay, Bộ đã cho phép nhiều trường ĐH tuyển sinh theo phương thức xét học bạ, như thế cũng là một cách bỏ “sàn” rồi còn gì? Bỏ điểm “sàn” chính là mở rộng quyền tự chủ. Tôi nghĩ trường nào cũng sẽ căn cứ vào tôn chỉ mục tiêu rồi chất lượng đào tạo, uy tín của mình mà tự cân nhắc để đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp.
Nguồn tuyển của các trường CĐ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không phải chỉ lệ thuộc vào việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm “sàn” hay không trong tuyển sinh ĐH. Một khi người học có tâm lý sính bằng cấp, chỉ thích học ĐH, không thích học CĐ thì cho dù có điểm sàn ĐH thí sinh vẫn không học CĐ.
Tiến sĩ Phan Cao Thọ (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng)
Trường nào khó tuyển vẫn sẽ gặp khó
Việc bỏ điểm sàn thì các trường tốp trên không quan tâm, trường tốp dưới cũng không phải là vấn đề. Trường nào khó tuyển sinh thì vẫn sẽ khó tuyển sinh cho dù điểm chuẩn hạ thấp đến đâu. Năm ngoái, theo số liệu của Bộ GD-ĐT là trên 100.000 thí sinh đạt điểm sàn trở lên nhưng không đăng ký xét tuyển vào ĐH và đây chính là nguồn tuyển bổ sung của các trường CĐ, trường nghề. Thế nhưng tình hình tuyển sinh CĐ cũng có khá hơn đâu.
Còn việc tuyển sinh khó khăn đối với một nhóm trường thì ngay từ khi áp dụng phương thức tuyển sinh 3 chung họ cũng đã khó khăn như thế. Cho nên có những trường nếu vẫn giữ phương thức đào tạo như hiện nay thì ngay cả xét học bạ họ vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí, càng hạ điểm chuẩn thì càng khó tuyển sinh do những em đạt điểm cao sẽ ngần ngại không muốn vào, còn những em điểm thấp cũng chẳng chịu vào vì họ đã có những tính toán khác thực tế hơn.
Trần Khắc Thạc (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi)
Quý Hiên (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.