Trường đại học tự chủ trong mọi hoạt động chuyên môn

Quý Hiên
Quý Hiên
12/12/2018 07:52 GMT+7

Tình trạng nhiều trường ĐH mở ngành vô tội vạ, nhiều mã ngành đào tạo không phù hợp với các khối thi, không đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ được xử lý trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung như thế nào?

Trao đổi với Thanh Niên sau cuộc họp báo công bố luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức hôm qua (11.12), bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết: Theo luật mới, các cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn bao gồm: ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tự chủ hoàn toàn về học thuật không có nghĩa là không có kiểm soát. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều trường ĐH tuyển sinh ồ ạt, nhưng không đảm bảo chất lượng, thiếu hụt giáo viên, cơ sở vật chất dẫn tới đào tạo kém chất lượng, cho ra trường sinh viên không đáp ứng chuẩn đầu ra. Luật cũng quy định quyền tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Như vậy, với việc phân cấp, phân quyền rõ ràng như trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung, thì những vấn đề về tuyển sinh, chỉ tiêu, mở ngành hoặc bổ nhiệm nhân sự, định mức học phí là trách nhiệm và quyền của các trường ĐH. Bộ GD-ĐT thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát của xã hội để giám sát, phát hiện những cơ sở vi phạm từ đó có chế tài xử phạt.
Luật quy định về trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH như thế nào, thưa bà?
Điều 50 về trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH trong việc bảo đảm chất lượng có quy định các trường ĐH phải xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của nhà trường... Trong chu kỳ kiểm định theo quy định, nếu cơ sở giáo dục ĐH không thực hiện kiểm định chương trình hoặc kiểm định không đạt yêu cầu thì trường phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Sau 2 năm, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kiểm định lại nhưng không đạt thì phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó, phải đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.
Hằng năm, trường phải có báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu chất lượng theo kế hoạch bảo đảm chất lượng; công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT, của cơ sở giáo dục ĐH và phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định không phân biệt văn bằng tại chức và chính quy sẽ dẫn tới đào tạo tràn lan hệ tại chức và không đảm bảo chất lượng?
Thực ra từ trước đến giờ văn bằng chỉ nhằm quy định trình độ đào tạo cao hay thấp, lĩnh vực hay ngành học đó để xác định chuyên môn đào tạo của người đó. Hình thức đào tạo ghi hay không ghi trên văn bằng chứng chỉ cũng không nhằm xác định giá trị chất lượng văn bằng đó. Các hình thức đào tạo dù vừa học vừa làm, học tập trung hay đào tạo từ xa đều phải trên một chương trình thống nhất, có thời lượng thống nhất, cùng trên chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra như nhau, cùng phải thực hiện cùng một khung trình độ quốc gia...
Như vậy, không có lý do gì để phân biệt văn bằng chính quy - tại chức. Quan trọng là phải đạt chất lượng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, nhiều bằng tại chức hiện chưa đạt chất lượng nhưng về tổng thể thì hình thức chính quy hay tại chức, vừa làm vừa học vẫn có trường tốt và không tốt, vẫn có người đạt trình độ cao và có người cũng chỉ đạt trình độ tiêu chuẩn quy định. Như vậy, vấn đề ở đây là do chính sách chất lượng của từng trường và do nỗ lực, mục đích của từng người học.
Hiện nay, chúng tôi dự kiến văn bằng của VN sẽ chỉ ghi những thông tin chung nhất, còn những thông tin chi tiết sẽ ghi trong phụ lục văn bằng.
Được quyền xây dựng và quyết định mức học phí
Tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa 14 kỳ họp thứ 6 thông qua, trong đó có luật Sửa đổi một số điều của luật Giáo dục đại học (GDĐH) diễn ra hôm qua (11.12), PGS Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã giới thiệu một số điểm mới căn bản của luật... Đặc biệt, với luật sửa đổi, hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính...
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình. Cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.
Dự kiến luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.