Từ bạo lực học đường đến tội phạm

09/11/2015 05:17 GMT+7

Những hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt, nếu không quan tâm và tháo gỡ kịp thời có thể là những nguy cơ khiến đứa trẻ phạm tội sau này...

Những hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt, nếu không quan tâm và tháo gỡ kịp thời có thể là những nguy cơ khiến đứa trẻ phạm tội sau này...

Bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay - Ảnh: cắt từ clipBạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay - Ảnh: cắt từ clip
Đó là một số ý kiến trong hội thảo “Tội phạm vị thành niên và vấn đề bạo lực học đường - Thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu phát triển bồi dưỡng tài năng trẻ, Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm dạy nghề Q.1, TP.HCM tổ chức vào ngày 8.11.
Từ nạn nhân thành kẻ trấn lột
Có mặt trong buổi hội thảo là một số cựu học sinh từng quậy phá, bị nhà trường đuổi học. Không có bài phát biểu trước mọi người, nhưng những bạn trẻ này cũng không tránh né báo chí.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, Gia Toàn (15 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết em bị đuổi học 1 tháng và bị cấm thi học kỳ vào năm lớp 9 do hành vi đánh nhau và hút bồ đà. Sau khi bỏ học, gia đình đã cho Toàn học nghề tại Biên Hòa (Đồng Nai). Gia Toàn tâm sự, từ đầu năm lớp 6, Toàn đã bị một số học sinh lớp 9 cùng trường ức hiếp, trấn lột tiền dưới hình thức tinh vi là “mượn” nhưng không bao giờ trả.
Sau khi bị cống nạp quá nhiều (gia đình và nhà trường không hề hay biết), Toàn liều mạng mang đến lớp một cây gậy ba ton. Khi nhóm chuyên ức hiếp Toàn xuất hiện để vòi tiền, Toàn đã tấn công lại làm một học sinh phải nhập viện. Vụ việc đó khiến Toàn bị đuổi học 1 tuần. Đặc biệt, từ giữa năm học lớp 6 cho đến lớp 9, Toàn lại trở thành kẻ trấn lột những học sinh “con nhà giàu có và chảnh”. Toàn giải thích: “Hầu như trường nào cũng vậy, học sinh chia thành nhiều phe nhóm. Nếu mình hiền là bị nó ăn hiếp, còn nếu mình bật lại thì nó không dám làm gì mình nữa”.
Bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay - Ảnh: cắt từ clip
Tương tự, Phạm Tài (15 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình) cũng bị đuổi học cách đây vài tháng do quậy phá. Được biết, từ năm học lớp 6 cho đến lớp 9, Tài đã phải chuyển trường ba lần và cả ba lần đó đều bị đuổi học. “Trước đây, em là đại ca trong lớp. Em thường tụ tập các bạn để đánh nhau, hút thuốc, chửi thề này nọ…”, Tài thú nhận. Bà D.T.K.Đ, mẹ của Phạm Tài, nói: “Tôi không chấp nhận việc người ta đổ thừa con hư là tại cha mẹ thiếu trách nhiệm. Con tôi đi đâu, tôi cũng theo sát cả. Xã hội ngày nay muôn màu muôn vẻ, có quá nhiều cám dỗ dễ khiến đứa trẻ bị hư. Tôi cũng bất mãn đối với môi trường học đường, bởi thầy cô xưng mày tao với mấy đứa con tôi, rồi lại còn ép nó phải đi học thêm…”.
“Phòng chống muộn!”
Theo đại tá, thạc sĩ Nguyễn Duy Chính - Trưởng bộ môn pháp luật, Trường CĐ Cảnh sát nhân dân 2 (Bộ Công an), tội phạm vị thành niên và tình trạng bạo lực học đường đang là những vấn đề “nóng bỏng” hiện nay. Dẫn số liệu của Công an TP.HCM, đại tá Chính cho biết: Từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2015, tại TP.HCM đã xảy ra 3.274 vụ phạm tội do người chưa thành niên gây ra (chiếm 12,6% số vụ phạm pháp hình sự). Đại tá Chính cho rằng tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng tăng, nhất là tình trạng bạo lực học đường. Thanh thiếu niên tụ tập thành băng, nhóm, sử dụng hung khí đâm chém, giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản... Đại tá Chính lưu ý: “Có những vụ từ bạo lực học đường đã dẫn đến tội phạm. Theo tôi, bạo lực từ những cái nhỏ cũng phải quan tâm, nếu không sẽ dễ phát sinh những tội phạm nghiêm trọng”.
Trung tá, tiến sĩ Trần Chiến Thắng - Phó trưởng khoa Nghiệp vụ cảnh sát vũ trang, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, thẳng thắn nói: “Cơ chế hình thành tội phạm thường đi từ mức thấp đến cao. Thế nhưng, hiện nay việc phòng chống của chúng ta khá muộn, tức là chờ cho các em đã bị xử phạt, xử lý rồi mới đưa vào các trường trại giáo dục”. Theo trung tá Thắng, hiện có rất nhiều phụ huynh không quan tâm đến con em mình. Có những đứa trẻ nói dối có hệ thống, có khi thuê cả bác xe ôm đi họp phụ huynh, thiếu tính kỷ luật... nhưng cha mẹ không hề biết. Trong khi đó, công an cơ sở thì cứ nghĩ những hành vi như vậy của mấy đứa học sinh là “nhỏ quá, không đáng quan tâm”.
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) kiến nghị luật Hôn nhân - gia đình phải bổ sung những quy định yêu cầu bất kỳ ai trước khi sinh con đều phải biết rõ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con. Bởi lẽ, theo ông Minh, không có trẻ em nào hư cả mà những cái hư liên quan đến trẻ đều do người lớn không gương mẫu và thiếu trách nhiệm với con.
Khi được hỏi về trách nhiệm của thầy cô giáo, tiến sĩ Minh cũng nhìn nhận, do một số bất cập trong cơ chế còn tồn tại nên không ít thầy cô giáo bây giờ trở thành những “thợ dạy” chứ không phải là nhà giáo dục dạy làm người.
Ý kiến
Phải chống từ trong nhà đi ra
Muốn chống bạo lực học đường thì phải chống từ trong nhà đi ra và làm sao để những đứa con nít cũng phải tham gia phòng chống. Theo tôi, hiện tượng bắt nạt, ức hiếp trẻ con mới là hiện tượng phổ biến và ở đâu cũng có. Phụ huynh cần phải trả lời cho được hai vấn đề: Con em mình có kỹ năng xây dựng tình bạn hay không? Con em mình đi học có phải là đối tượng bị ức hiếp không?
PGS-TS Lê Sơn
(Ủy viên BCH T.Ư Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN)
Nuông chiều tạo nên sự ích kỷ
Nhiều cha mẹ hiện nay quan tâm con bằng cách bù đắp vật chất hoặc nuông chiều con quá mức, dần dần tạo nên sự ích kỷ, vô cảm cho đứa trẻ.
Phụ huynh Trần Anh Tuấn
(ngụ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.