Tuy nhiên ngày càng có nhiều trường sử dụng phương thức tuyển sinh khác, trong đó chỉ sử dụng một phần hoặc không căn cứ vào kết quả kỳ thi này.
Từ năm 2016, Trường ĐH Luật TP.HCM bắt đầu thực hiện đề án tuyển sinh riêng theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sơ tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và điểm học bạ 3 năm THPT, giai đoạn 2 đánh giá dựa trên kết quả kỳ kiểm tra năng lực do trường tự tổ chức. Theo đại diện nhà trường, việc sơ tuyển kết quả học bạ nhằm đánh giá thí sinh trong suốt quá trình học tập. Bên cạnh kết quả kỳ thi THPT quốc gia, bài kiểm tra năng lực là bước quan trọng để đánh giá mức độ phù hợp của TS với ngành học.
Năm 2017, Trường ĐH Quốc tế cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và dành 35% chỉ tiêu các ngành cho phương thức tuyển sinh này. Thí sinh dự thi một môn bắt buộc và một môn tự chọn theo hình thức trắc nghiệm. Người dự thi chỉ cần tốt nghiệp và đủ điểm chuẩn kỳ kiểm tra này được trúng tuyển vào trường.
Không chỉ tổ chức kỳ thi riêng, nhiều trường còn sử dụng phương thức xét tuyển trực tiếp từ kết quả học bạ THPT mà không cần phải đợi kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Đại diện một trường ĐH nhìn nhận: “Không đánh giá thấp kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng thực sự chưa đủ cho tuyển sinh ĐH một số trường. Với những ngành đặc thù, cần thiết phải có thêm hình thức đánh giá khác để kiểm tra sự phù hợp. Vì thực tế có những học sinh thích nhưng không hoàn toàn phù hợp với tính cách, năng khiếu cá nhân”.
Trong khi đó, cán bộ đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM đặt vấn đề, việc tuyển sinh chỉ dựa vào một bài thi duy nhất sẽ khó để chọn được thí sinh đúng năng lực theo từng khối ngành. Tuyển sinh theo khối thi đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Ví dụ sinh viên theo học các ngành kỹ thuật phải giỏi các môn tự nhiên như toán, lý...
Bình luận (0)