Nhiều ý kiến trái chiều về phương án thi THPT quốc gia năm 2018

05/09/2017 15:05 GMT+7

Sau khi Bộ GD-ĐT gửi công văn tới các trường ĐH, CĐ để lấy ý kiến góp ý cho phương án thi THPT quốc gia 2018, nhiều thầy cô, học sinh và phụ huynh đã có ý kiến trái chiều.

Theo đó, phương án thi THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ GD-ĐT vừa gửi cho các trường để lấy ý kiến với nội dung: Giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017) hoặc mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM), qua kỳ thi vừa rồi có thể thấy 3 môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp được thi trong vòng một buổi là quá áp lực đối với học sinh. Chính vì thế nếu giữ nguyên phương án thi như năm vừa qua thì Bộ nên tính toán để tách từng môn thi vào các buổi riêng để giảm áp lực cho học sinh.
Ông Phú chia sẻ: “Một người làm giáo dục có thể dễ dàng nhận thấy, nếu để 3 môn thi thành phần trong bài thi KHTN, KHXH riêng rẽ thì sẽ khiến học sinh học lệch. Học sinh sẽ chỉ trú tâm nhiều vào môn mà mình thi để lấy điểm. Hai môn còn lại dù có tham gia thi thì nhiều em sẽ học theo kiểu đối phó”.

Ông Phú đánh giá cao phương án thi thứ 2 với lý do khi bố trí bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành bài thi hoàn chỉnh với một đầu điểm thống nhất đồng nghĩa với việc bài thi sẽ tích hợp kiến thức các môn này. Như vậy khá khớp với cách dạy của nhiều trường phổ thông trong thời gian vừa qua và định hướng tích hợp liên môn mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã và đang triển khai. Phương án thi này sẽ giúp các trường phổ thông và học sinh năng động hơn. Buộc học sinh không được học lệch, không còn khái niệm môn chính môn phụ...

Ông Phú cũng mong Bộ GD-ĐT chốt phương án thi THPT quốc gia sớm vì nó sẽ ảnh hướng rất lớn tới việc chuẩn bị của các trường phổ thông và học sinh.

tin liên quan

Lấy ý kiến các trường ĐH về phương án thi năm 2018
Bộ GD-ĐT vừa gửi công văn tới các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành giáo viên để lấy ý kiến góp ý cho phương án thi THPT quốc gia 2018 và phương án xét tuyển ĐH, CĐ dựa trên kết quả thi của kỳ thi này.
Em Nguyễn Thị Ánh Ngọc (học sinh Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM) thì lo lắng: “Không phải học sinh nào cũng học đều tất cả các môn. Vậy khi tính chung điểm của các môn thành phần trong bài thi KHTN, KHXH sẽ khiến chúng em trở tay không kịp. Đặc biệt là việc liên môn cũng chưa thật sự phổ biến mà chỉ mới dừng ở một số tiết học với một số chủ đề chứ không phải toàn bộ chương trình”.
Còn em Nguyễn Hải Thi (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) thì lạc quan hơn: “Từ năm học lớp 11 em đã được làm quen với những tiết học tích hợp liên môn. Trong các tiết học này chúng em cảm thấy không còn ranh giới kiến thức giữa các môn mà thấy nhiều kiến thức có sự liên quan nhất định. Đặc biệt, trong định hướng đầu năm học em được biết năm nay nhà trường sẽ triển khai rất nhiều kế hoạch giúp học sinh tự học. Hy vọng, với phương pháp tự học là chính sẽ giúp chúng em thích ứng được với sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia dù Bộ GD-ĐT có chọn phương án nào”.
Trong khi đó, chị Thanh Bình (phụ huynh ngụ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) nêu ý kiến: “Mỗi năm đều có thay đổi thì khiến cả phụ huynh và con cái đều mệt mỏi. Thay vì thay đổi hoàn toàn, Bộ GD-ĐT có thể khắc phục những gì chưa tốt trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.