Tuyển sinh vào đại học: Đề thi đánh giá năng lực tập trung vào nội dung gì ?

Hà Ánh
Hà Ánh
05/05/2020 07:04 GMT+7

Gần đây, trên một số trang đưa ra các dự đoán sẽ có sự xuất hiện của những vấn đề thời sự trong đề thi đánh giá năng lực năm nay. Đại diện một số trường có tổ chức kỳ thi này nói gì?

Không có Covid-19, kiến thức đã giảm tải

Năm nay là năm thứ 3 ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đến thời điểm này, kỳ thi đã có gần 60 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng để xét tuyển thí sinh cho năm 2020. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cấu trúc đề thi, độ khó và tính phân loại của đề thi năm nay giữ ổn định so với đề thi các năm trước.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Chính, trong bối cảnh chương trình THPT của học sinh năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về chương trình giảm tải. Do vậy, dù giữ ổn định nhưng bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 sẽ được xây dựng phù hợp với tình hình mới. “Các câu hỏi nhằm đánh giá mức độ nhớ - hiểu sẽ không sử dụng các kiến thức phần giảm tải”, tiến sĩ Chính khẳng định.
Trước một số dự đoán trên các trang mạng về sự xuất hiện của các vấn đề thời sự trong đề thi năng lực, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nói: “Các câu hỏi luôn có liên quan đến thực tế. Tuy nhiên, nguyên tắc xây dựng đề thi phải tuân thủ những bước nghiêm ngặt qua các bước phản biện và thử nghiệm thực tế. Do vậy, câu hỏi cần một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện và vì thế, tình hình thời sự liên quan đến dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ không được hỏi trong bài thi năng lực năm 2020”.
Tương tự, nói về đề kỳ thi năng lực của Trường ĐH Việt Đức, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết bài thi của trường không nhằm mục đích kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá các kỹ năng nhận biết, suy luận và xử lý vấn đề. “Bài thi này được thiết kế để đánh giá năng lực đầu vào cho thí sinh quốc tế nên phù hợp với học sinh toàn cầu. Nội dung đề thuộc toàn bộ chương trình phổ thông, không có câu hỏi ngoài chương trình và thường không có vấn đề thời sự”, tiến sĩ Viên khẳng định.

Thay đổi môn thi bắt buộc

Ngược lại, năm nay Trường ĐH Quốc tế TP.HCM dự kiến điều chỉnh môn thi bắt buộc trong kỳ thi kiểm tra năng lực do trường này tổ chức. Thay vì môn toán như các năm trước, năm nay môn thi bắt buộc sẽ là toán - tư duy logic, trong đó phần tư duy logic trong đề dự kiến tăng lên khoảng 1/3 tổng số câu hỏi.
Ngoài môn thi bắt buộc còn có môn thi tự chọn gồm: lý, hóa, sinh và tiếng Anh (theo hình thức trắc nghiệm trên giấy).
Liên quan đến đề thi, theo tiến sĩ Khoa, các câu hỏi tư duy logic cũng sẽ thuộc chương trình đã học bậc phổ thông. Đề thi các môn nói chung cũng sẽ giới hạn theo chương trình học tinh giản theo quy định của Bộ.

Nên ôn tập ra sao ?

Trước câu hỏi này, đại diện các trường có tổ chức kỳ thi đều khẳng định không tổ chức luyện thi và cho rằng thí sinh không cần thiết tham gia các lớp ôn luyện bên ngoài.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, bài thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm).
“Đa phần các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện và kiến thức cơ bản để đánh giá mức độ vận dụng, phân tích của người học. Chỉ một phần rất ít câu hỏi được dùng để đánh giá mức độ nhớ và hiểu”, tiến sĩ Chính cho hay.
Từ đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính khẳng định: “Đề thi tập trung đánh giá năng lực người học, lĩnh vực được đề cập trong đề cũng bao phủ các lĩnh vực dạy và học ở bậc phổ thông. Chính vì vậy, bất cứ học sinh nào học tốt các môn của chương trình THPT đều làm được bài”.
Để chuẩn bị tốt cho bài thi này, theo tiến sĩ Chính, học sinh nên tập thói quen học tập đúng đắn, tức học để nâng cao kiến thức và năng lực chứ không phải để nhớ, để thi. Đặc biệt, cần định hướng học đều các lĩnh vực chứ không học lệch hay học tủ.
Lời khuyên cho thí sinh, tiến sĩ Khoa cho rằng học sinh chỉ cần học tốt chương trình phổ thông, không cần tham gia luyện thi.
Tương tự, tiến sĩ Hà Thúc Viên nói: “Khác với bài thi kiểm tra kiến thức, bài thi đánh giá năng lực cần sự tích lũy, trau dồi kiến thức toàn diện và kỹ năng cần thiết trong 3 năm học bậc THPT”. Bài thi này sẽ gồm 3 phần: ngoại ngữ trực tuyến, kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành. Trong đó, phần bài thi cơ bản kiểm tra kiến thức về toán học cơ bản, suy luận logic, quy luật chuỗi số... Còn bài thi chuyên ngành, thí sinh có thể chọn 1 trong 4 lĩnh vực để xét tuyển vào ngành phù hợp: khoa học kỹ thuật; kinh tế học; nhân văn, văn hóa và khoa học xã hội; toán học, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên. Tiếng Anh trong đề thi phù hợp với năng lực của học sinh bậc phổ thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.