Ví dụ về sự bất công trong cộng điểm ưu tiên

04/08/2017 09:23 GMT+7

Việc ưu tiên bằng cộng điểm xét tuyển vẫn có nhiều bất cập. Đáng quan tâm là thực tế có nhiều người lợi dụng chính sách ưu tiên này khiến người được hưởng không thực sự đúng đối tượng.

Theo quy định, thí sinh được hưởng điểm ưu tiên khu vực theo khu vực trường học mà thí sinh đó tốt nghiệp THPT. Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì sẽ được hưởng ưu tiên của khu vực đó.
Điều này tưởng như sẽ là thước đo công bằng nhất, nhưng trên thực tế vẫn có những bất cập. Những câu chuyện từ thực tế sau đây là minh chứng cho thấy chính sách này không thật sự công bằng như mong muốn.
Ngay tại Hà Nội, Trường THPT Lương Thế Vinh là một ví dụ. Trường này có hai cơ sở, một nằm ở Q.Cầu Giấy, một tại H.Thanh Trì. Dù có cùng mức điểm chuẩn vào lớp 10 bằng nhau, chất lượng giáo dục như nhau, thậm chí cơ sở 2 còn tốt hơn về cơ sở vật chất vì đất đai rộng rãi hơn nên có điều kiện đầu tư xây dựng các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập... Tuy nhiên, học sinh tốt nghiệp THPT ở cơ sở 2 là H.Thanh Trì thì được hưởng điểm ưu tiên theo khu vực 2 và được cộng 0,5 điểm khi xét tuyển ĐH, CĐ. Còn học sinh ở cơ sở 1 thì không thuộc đối tượng ưu tiên khu vực vì nằm ở nội thành thành phố trực thuộc trung ương (khu vực 3).
Chính vì vậy, tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên cho thấy, không ít phụ huynh ở khu vực nội thành, điều kiện kinh tế rất tốt nhưng vẫn cho con học ở cơ sở 2 để lợi dụng được chính sách ưu tiên về điểm. Có những gia đình sẵn sàng chi trả mỗi buổi học thêm hoặc mời gia sư cho con tới 400.000 - 500.000 đồng/buổi nhưng vẫn chọn cơ sở 2 để con được cộng 0,5 điểm. Một phụ huynh cho biết, vào giờ đưa đón con sẽ thấy rất nhiều ô tô sang đưa đón con đi học ở cơ sở này vì nhiều gia đình từ nội thành chọn học ở đây.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh, cũng xác nhận: "Lựa chọn cơ sở nào là quyền của học sinh và phụ huynh. Thực tế, cơ sở 2 của trường ở H.Thanh Trì có những học sinh ở quận trung tâm của Hà Nội về đó học; ngược lại cơ sở 1 ở Q.Cầu Giấy thì lại có không ít học sinh ở tỉnh lẻ hoặc các huyện ngoại thành. Những đối tượng này lẽ ra nếu học ở trường THPT theo địa chỉ thường trú thì sẽ được cộng điểm ưu tiên nhưng vì học ở cơ sở 1 đồng nghĩa với việc họ chấp nhận từ bỏ 0,5 - 1 điểm ưu tiên đó".
Cũng trên địa bàn Hà Nội, 2 trường THPT chỉ cách nhau một con đường, điều kiện học tập ngang bằng nhau nhưng một trường được cộng điểm ưu tiên, trường kia thì không. Ví dụ, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (H.Gia Lâm), học sinh tốt nghiệp THPT sẽ được cộng 0,5 điểm; còn trường nằm đối diện là THPT Thạch Bàn vì thuộc Q.Long Biên nên không được cộng điểm.

Như vậy, lý lẽ duy nhất để ủng hộ cho việc cộng điểm ưu tiên là hỗ trợ những trường hợp có điều kiện học tập khó khăn hơn, trong trường hợp nêu trên là hoàn toàn không đúng trên thực tế.
Từ những thực tế này, rõ ràng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc, đầy đủ chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh sao cho đảm bảo công bằng như mục tiêu lâu nay mà chính sách này hướng tới.

tin liên quan

Gần 10 điểm mỗi môn vẫn rớt đại học
Chưa khi nào như năm nay, thí sinh đạt trung bình gần 10 điểm mỗi môn vẫn trượt ĐH. Nghịch lý là có những trường hợp thí sinh bị loại có điểm cao hơn thí sinh đã trúng tuyển do quy định làm tròn điểm, tiêu chí phụ hay điểm ưu tiên!  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.