Vợ nhạc sĩ Trần Tiến kể lại những năm tháng dạy học ở Sài Gòn

16/11/2017 15:42 GMT+7

Bà Trần Bích Ngà, 68 tuổi, vợ nhạc sĩ Trần Tiến là một cô giáo dạy văn, bà từng có những năm tháng giảng dạy tại Hà Nội, TP.HCM. Những kỷ niệm thời dạy học được bà kể lại trong những câu chuyện xúc động...

Bà Trần Bích Ngà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, ngôi trường đầu tiên bà bắt đầu sự nghiệp trồng người, là Trường THCS Bắc Hồng. Ngày đó trường thuộc xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bà Ngà cũng có nhiều năm dạy học ở Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, bây giờ ngôi trường đó vẫn nằm trên phố Nguyễn Khánh Toàn, gần phố chùa Hà và công viên Nghĩa Đô.
Nhớ lại những ngôi trường ở Thủ đô, bà Ngà bồi hồi: “Năm 2015, tôi về lại trường Bắc Hồng, nơi mình dạy học những buổi đầu tiên, cảm xúc thật kỳ lạ. Tôi cũng không ngờ, có một cô học trò, lúc bấy giờ đang là cán bộ xã chạy đến ôm tôi và nói, bao nhiêu năm tháng mà cô vẫn trẻ như ngày cô dạy học ở nơi này. Cô bé nói, cô vẫn chưa quên những bài giảng của tôi, nhiều lời tôi dạy đến nay cô vẫn khắc cốt ghi tâm và áp dụng rất nhiều trong cuộc sống ngày thường”.
Cô Bích Ngà, người chèo đò cần mẫn bao năm tháng... Ảnh nhân vật cung cấp
Sau khi vợ chồng bà Ngà rời Hà Nội vào Sài Gòn, bà Bích Ngà về dạy văn tại Trường THCS Đồng Tháp (P.8, Q.8), nay chuyển tên thành Trường tiểu học Trần Danh Lâm. Gắn bó ở trường Đồng Tháp từ năm 1982 đến năm 1990, bà Bích Ngà chuyển về Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) làm giáo viên, sau đó bà giữ chức vụ hiệu trưởng ngôi trường này, cho đến ngày về hưu.
“Ở ngôi trường nào của Sài Gòn, trong tôi vẫn còn vẹn nguyên nhiều kỷ niệm. Học trò của tôi nhiều người thành đạt, nhiều người làm chức vụ quan trọng, có người làm hiệu trưởng, hiệu phó, nhiều em đến nay tôi nhớ tên, nhớ mặt, có nhiều em khi gặp mặt tôi mới nhớ lại những kỷ niệm xưa”, bà Bích Ngà bộc bạch.
Chúng tôi đọc cho bà Ngà bài viết của một phụ huynh đăng trên báo Thanh Niên ngày 15.11, Bài văn điểm 2 của cô Bích Ngà đã thay đổi cuộc đời tôi, cô giáo dạy văn trường Đồng Tháp ngày nào vừa nói vừa rưng rưng: “Tôi hạnh phúc, mình về hưu đã bao năm, đến bây giờ vẫn nhận được những yêu thương đến như vậy của học trò. Trường Đồng Tháp tôi nhớ nhiều lắm, ngôi trường nhỏ, nằm ngay dưới cầu chữ Y...”.

tin liên quan

Những người thầy trong trái tim tôi
Bất kỳ ai trải qua năm tháng đi học cũng có những thầy, cô để lại ấn tượng không bao giờ phai nhòa. Trong 'trường đời' của mỗi người đôi khi cũng có những người tạo động lực, truyền cảm hứng, đặt một dấn ấn sâu sắc cho ta như một người thầy.
Bà Ngà tâm sự, công việc của một “người lái đò”, chở học sinh qua sông, bà không thể nhớ hết những bài kiểm tra, những điểm số đã cho mỗi học sinh. Điều làm bà nghẹn ngào nhất, là một bài kiểm tra điểm 2 đã thay đổi rất lớn cho một học trò.
“Lúc nào tôi cũng quan niệm, dạy học bằng cả trái tim. Dạy môn văn là dạy những cái hay, cái đẹp ở đời, để con người sống tốt hơn”, bà Bích Ngà chia sẻ.
Bà Bích Ngà và chồng, nhạc sĩ Trần Tiến hiện sinh sống ở Vũng Tàu. Hai con gái ông bà đã lớn và định cư tại nước ngoài. Ông bà tới thành phố biển được 6 năm nay. Bà giáo nghỉ hưu mỗi ngày tìm hạnh phúc bình yên trong căn bếp và mảnh vườn nhỏ của mình.
Cô giáo Bích Ngà (trái) được nhiều học sinh yêu thương Ảnh nhân vật cung cấp
Ông bà vừa trồng hoa, vừa trồng các loại rau. “Vợ chồng chúng tôi dễ thích nghi, có thể ăn các món ăn vùng miền ở ngoài các quán xá, nhà hàng, nhưng về nhà, chúng tôi chỉ muốn được ăn món của Hà Nội”, người luôn đứng đằng sau những thành công của nhạc sĩ Trần Tiến bộc bạch.
Ngày 18.11 tới đây, bà Ngà sẽ trở lại TP.HCM, gặp lại đồng nghiệp và những học trò năm xưa trong ngày lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Trường Huỳnh Khương Ninh.
Bà Bích Ngà tâm niệm: “Tôi luôn hạnh phúc vì những năm tháng được làm người thầy của nhiều thế hệ học trò, dạy các em học văn, dạy các em làm người. Tôi luôn tâm đắc câu 'Gieo nhân nào thì gặp quả đó'. Ngày hôm nay tôi thảnh thơi, tâm hồn thanh thản vì đã làm trọn vẹn công việc của một người thầy”.
Bạn đọc có kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động nào về người thầy của mình... có thể gửi đến chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên tại địa chỉ email: tngd@thanhnien.com.vn. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.