Những người thầy trong trái tim tôi

15/11/2017 16:04 GMT+7

Bất kỳ ai trải qua năm tháng đi học cũng có những thầy, cô để lại ấn tượng không bao giờ phai nhòa. Trong 'trường đời' của mỗi người đôi khi cũng có những người tạo động lực, truyền cảm hứng, đặt một dấn ấn sâu sắc cho ta như một người thầy.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), Báo Thanh Niên sẽ cùng bạn đọc nhớ về những người thầy trong đời như một lời tri ân với các thầy cô dành trọn đời mình yêu thương, dìu dắt học trò.
***
Bài văn điểm 2 của cô đã thay đổi đời tôi
Từ một học sinh không yêu thích môn văn và mất căn bản về môn học này trầm trọng, sau một bài văn điểm 2 mà cô Bích Ngà, vợ nhạc sĩ Trần Tiến cho tôi, tôi đã thay đổi...
Cô Bích Ngà, vợ của nhạc sĩ Trần Tiến là giáo viên dạy môn văn của tôi từ hồi học lớp 6 đến lớp 9 Trường THCS Đồng Tháp, P.8, Q.8, TP.HCM trước đây. Nay trường đổi thành Trường tiểu học Trần Danh Lâm. Ngôi trường vẫn nằm ở chốn xưa, gần cầu Chữ Y, mỗi khi đi ngang qua trong tôi bao kỷ niệm lại ùa về.
Ngày tôi vào lớp 6, những gì tôi nghĩ về môn văn chỉ là học cho xong, bởi cũng nghĩ sẽ không gắn bó gì nhiều. Các buổi học với tôi nặng nề trôi qua, không cảm xúc.
Tôi nhớ, hôm đó cô Bích Ngà ra đề bài tập về nhà, “Hãy kể lại một ngày của em”. Tôi về nhà làm cho xong, sáng hôm sau nộp lại. Ngày nhận bài kiểm tra, tôi sững sờ khi thấy con 2 được viết rất lớn bằng bút màu đỏ trên tờ giấy kiểm tra, kèm lời phê của cô Ngà.
Ngày đó, những năm 1988 - 1989, tôi học văn với tâm thế của người chống đối, bài kiểm tra ấy, tôi liệt kê, sáng tôi dậy lúc mấy giờ, ăn gì, làm bài tập xong lúc mấy giờ, đi chơi ra sao...
“Tại sao em lại gạch đầu dòng cho một bài văn? Đây giống như một thời khoá biểu chứ không phải một bài văn!”. Những dòng chữ ấy, thú thật, đến bây giờ, sau gần 30 năm, nó vẫn còn hiển hiện rõ trong tâm trí tôi.
Con số 2, kèm những lời phê của cô Ngà khiến tôi bừng tỉnh. Tôi vò đầu, tại sao những năm tháng qua tôi lại không hứng thú với môn văn, tại sao tôi lại chống đối với môn học này, tại sao tôi không biết làm một bài văn đúng nghĩa? Tôi hỏi mình, tôi lắng nghe cô Bích Ngà nhiều hơn, các buổi học văn với tôi là chăm chú lắng nghe và phát biểu, chứ không đơn thuần là nghịch ngợm và ngáp ngủ như ngày thường nữa.
Bốn năm THCS trôi qua, điểm văn của tôi nhích lên dần dần. Từ một người không hiểu gì môn văn và ghét văn, tôi yêu thích môn học này và mong chờ các buổi lên lớp của cô Bích Ngà. Cô có giọng nói rất truyền cảm, viết chữ rất đẹp, mỗi giờ học văn với cô không đơn thuần chỉ biết đến tác giả, tác phẩm, chúng tôi còn được học về cuộc đời, luân thường đạo lý, cách đối nhân xử thế sao cho phải phép...
Chúng tôi kết thúc thời học sinh cấp 2, cô Bích Ngà cũng rời Trường THCS Đồng Tháp. Tuổi học trò nghịch ngợm và vô tâm, chúng tôi cũng không hay tin, cô Ngà chuyển về đâu nữa. Bẵng đi rất lâu, tôi đọc trên báo, cô Bích Ngà và chồng - nhạc sĩ của ca khúc “Mặt trời bé con” đang có cuộc sống rất hạnh phúc ở Vũng Tàu. Tôi mừng, xúc động...
Ai có ngờ được, một học sinh từng ghét môn văn hơn bất cứ điều gì trên đời, sau này, nhờ cô, lại trở thành một người làm việc với các con chữ có khi đến 20 tiếng một ngày. Tôi dạy các con tôi, nên yêu môn văn, không có môn học nào theo ta nhiều như môn văn, văn là cuộc đời, văn dạy ta trở thành người nhân hậu, có đạo lý...
Có lẽ cô Bích Ngà giờ đã quên tôi, đời một người lái đò, sao nhớ hết nổi những người khách mình từng chèo qua sông? Nhưng, từ sâu thẳm tim mình, tôi luôn biết ơn cô. Hơn một người thầy, cô đã cho tôi cả một cuộc đời...
Bạn đọc có kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động nào về người thầy của mình... có thể gửi đến chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên tại địa chỉ email: tngd@thanhnien.com.vn. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.