Khi ấy, tôi là sinh viên năm thứ nhất khoa toán, Trường đại học sư phạm Hà Nội. Sau một kỳ học lặng lẽ, vốn chỉ tập trung vào học tập để lấy lại sự tự tin của bản thân, tôi đã mạnh dạn hơn để tham gia vào các hoạt động của khoa. Chúng tôi xây dựng CLB T&T để tạo một sân chơi cho sinh viên, để thỏa mãn khát vọng học tập tốt, nghiên cứu khoa học, rèn luyện nghiệp vụ để trở thành những người giáo viên giỏi trong mỗi thành viên. Cũng nhờ câu lạc bộ này mà tôi đã có dịp được làm việc với các thầy, các cô là niềm tự hào của khoa toán, là thần tượng của biết bao thế hệ sinh viên, trong đó có nhà giáo Văn Như Cương.
[VIDEO] Nhìn lại sự nghiệp của PGS Văn Như Cương - Trọn đời gắn bó với giáo dục
|
Thầy Văn Như Cương đến với chúng tôi, lần đầu tiên, tôi đã nhận ra một phong cách rất lạ. Thầy tâm sự với chúng tôi,
truyền lửa cho chúng tôi không bằng các bài giảng toán học, mà bằng thơ. Một bài thơ về tình yêu. Một giọng nói xứ Nghệ rất vang. Những niềm vui trong học tập. Lũ chúng tôi, những người trẻ đón nhận những lời tâm sự ấy, say sưa, nhẹ nhõm mà sâu lắng.
Về sau, thỉnh thoảng, lấy cớ biên tập cho tạp chí, tôi lại tìm đến các thầy. Thầy Cương lúc nào cũng hóm
|
|
PGS Chu Cẩm Thơ, cựu sinh viên và nguyên giảng viên khoa toán – tin, Trường đại học sư phạm Hà Nội, nay là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
|
|
|
hỉnh, có thể thầy muốn tôi bớt đi những căng thẳng (của một học trò, của một người non nớt). Tôi vẫn lưu giữ những câu chuyện ấy, đến độ ngượng ngùng làm sao khi tự hỏi đến bao giờ mình có thể đạt đến “cảnh giới” như vậy!
Năm 2004, tôi lại được học nghề của thầy. Thật là một may mắn, khi đó tôi đang giảng dạy ở khoa toán thì cô giáo tôi, cô Nguyệt Quang, nói em có thể đến dạy ở trường Lương (tên gọi thân thương của các giáo viên dành cho trường Lương Thế Vinh - phóng viên). Thầy cũng khích lệ tôi: “Em ở tổ phương pháp nên nếu em đến trường thầy dạy thì sẽ tốt cho chuyên môn của em”.
Tôi thì hồ hởi, sung sướng, vì biết mình sẽ học được nhiều hơn ở thầy, ở ngôi trường đã trở thành biểu tượng của giáo dục Thủ đô. Trong suốt gần 10 năm, tôi đến trường Lương - nơi thu hút rất nhiều giáo viên giỏi, mỗi tuần 2 buổi. Đấy là quãng thời gian tôi học được biết bao nhiêu! Những giờ nghỉ, những trao đổi bên lề… sống động hơn bất cứ một hội thảo giáo dục phổ thông nào. Một cô giáo trẻ như tôi, cứ nghe, cứ học, cứ được dạy bởi nhiều giáo viên giỏi và tâm huyết như thế.
Thỉnh thoảng được gặp thầy trong khoảng năm phút nghỉ giữa giờ. Thầy chỉ hỏi vài câu. Tôi đi theo thầy nơi hành lang, cố thêm vài giây ít ỏi cho đến khi chạm cửa lớp học mà thầy vào dạy. Học nghề, không phải là những bài học chuyên môn nặng, mà là sự ngưỡng mộ, len lén làm theo, là thấm nhuần mà cố gắng. Thầy Cương viết giáo trình cho chúng tôi. Thầy Cương giảng cho chúng tôi. Thầy Cương dạy tếu táo, sắc sảo cho chúng tôi “nghe lỏm”. Thầy - ông tiên của rất nhiều học trò, đã dành cho tôi những chia sẻ không phải của một hiệu trưởng, mà là của một đồng nghiệp đi trước, một người thầy, giúp tôi lớn lên.
Còn nhớ, năm 2015, tôi và thầy cùng tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp (hình như là bình luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ở một kỳ họp Quốc hội). Lúc đó, tôi và thầy có một vài ý kiến khác nhau về những hiện tượng và chủ trương của ngành. Mấy ngày sau, được gặp thầy ở một hội thảo của trường sư phạm, thầy thân ái bảo tôi: “Ý kiến của Thơ hay đấy, sẽ rất tốt, em còn nhiều thời gian để làm cho những điều này thành sự thực”.
Ngày này năm ngoái, tôi đón thầy về dự hội khoa. Sau bao cơn đau đớn, thầy xuất hiện và các thế hệ học trò chào đón thầy. Nhiều anh chị khóc. Nhiều anh chị sững sờ. Thầy gầy đi nhiều, nhưng thầy vẫn thế, cứ xuất hiện trước mọi người là mạnh mẽ, dí dỏm, chả còn mảy may đau đớn hay phiền não nào. Tôi dìu thầy vào hội trường, đôi bàn tay thầy trong tay tôi, rất nhẹ.
“Có chí thì nên”, thầy lấy câu tục ngữ này làm slogan, in trên bìa vở của
trường Lương Thế Vinh. Các học sinh, mỗi lần học, lại được đọc những dòng trích thư của thầy. Mỗi dòng, là một lời nhắn nhủ, về việc học, về việc đời. Thầy Cương giản dị, mong mỏi học trò kiên trì, chăm chỉ, hiếu thuận. Và sẽ chẳng ai quên, thầy Cương dạy toán nhưng tâm hồn thấm đẫm văn chương, đến nỗi chúng tôi chỉ cảm thán được rằng “tên đã như người vậy: Văn ai được như Cương”.
Lúc này, khi biết tin thầy đã ra đi, rất thanh thản bên tình yêu vô bờ bến của gia đình, của học trò, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Thành kính vĩnh biệt thầy! Sau này, chúng tôi không còn được nghe những phát biểu, những chia sẻ của thầy nữa. Nhưng những gì thầy đã làm, đã dạy, thì chắc chẳng bao giờ phai đi. Lời thầy tâm sự vẫn còn đây:
“Các em vào đại học thầy vui!
Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi!
Ít em mong muốn vào sư phạm
Ai sẽ thay thày lúc mấy mươi?”
Bình luận (0)