Lãnh đạo Bộ cũng cho biết đề thi lần này sẽ rút ngắn thời gian làm bài, giảm số câu hỏi, giảm độ khó, nhưng vẫn phân loại được thí sinh...
Chúng tôi thấy hơi băn khoăn vì khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, có thật dễ dàng phân loại thí sinh? Hơn nữa, đối với môn thi tổ hợp (tích hợp 3 môn trong một bài làm, lấy 1 đầu điểm) thì với cách giảm trên, sẽ rất khó đánh giá được kiến thức một cách cơ bản của các môn (tự nhiên, xã hội) tích hợp trong đó. Vì vậy, Bộ nên cân nhắc để hài hòa những điểm này.
Đối với môn ngữ văn, chúng tôi kiến nghị Bộ nên xây dựng đề minh họa theo hướng sau: Về thời gian làm bài, đề thi nên giữ nguyên 120 phút như cũ, tương đương thời gian đề thi tốt nghiệp năm 2014. Về cấu trúc, đề thi nên giảm câu 1 (viết đoạn văn ngắn, khoảng 200 chữ) của phần làm văn. Đưa yêu cầu câu này lên thành câu hỏi 4 của phần đọc hiểu văn bản.
Theo đó, cấu trúc đề thi nên như sau: Phần một, đọc hiểu văn bản (4 điểm), gồm 4 câu hỏi. Từ câu 1 đến câu 3 (3 điểm) nhằm đánh giá kỹ năng đọc hiểu như đề thi cũ. Câu 4 viết đoạn văn ngắn bày tỏ cảm nhận/suy nghĩ theo một yêu cầu nhất định. Ở phần hai, nghị luận văn học (6 điểm), câu hỏi nên có 2 vế: Vế đầu yêu cầu cơ bản (5 điểm); vế sau là phần nâng cao (1 điểm), câu hỏi này nhằm phân loại thí sinh, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài.
Bình luận (0)