Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH và Báo Bình Phước chiều qua 31.5, đồng thời được truyền hình trực tuyến trên thanhnien.vn.
Nộp hồ sơ sớm để tăng cơ hội
Có mặt tại chương trình tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết 100% các trường đều xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên trong năm nay, đa số trường giảm chỉ tiêu cho phương thức này để xét thêm các phương thức khác, trong đó phần lớn là tập trung vào phương thức xét học bạ. “Phương thức xét học bạ được các trường tiếp nhận ngay từ thời điểm này, nên thí sinh (TS) có thể nộp hồ sơ ngay để có thêm một cơ hội trúng tuyển”, tiến sĩ Trung Nhân lưu ý.
Học sinh tên Hoàng Trang (Trường THPT Đồng Xoài) thắc mắc: “Nộp hồ sơ xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT thì phương thức nào dễ trúng tuyển hơn? Một ngành em có thể nộp hồ sơ xét học bạ và dựa vào kết quả thi được không?”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, giải đáp: “Hai phương thức được nhiều trường ĐH sử dụng nhất là xét điểm thi THPT và xét tuyển học bạ. Tại trường, phương thức xét điểm thi THPT chiếm 65% chỉ tiêu và xét tuyển học bạ 25%. Xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM chiếm 10%. Các em nên cân nhắc tìm hiểu xem mỗi phương thức mình có thuận lợi, khó khăn gì. Ví dụ có nhiều bạn kết quả học tập tốt nhưng do áp lực tâm lý đi thi có thể điểm không cao”.
Theo thạc sĩ Dung, nếu TS có mức điểm học bạ tốt thì ngay từ bây giờ có thể nộp hồ sơ bằng học bạ để có thêm cơ hội trúng tuyển và sau đó TS cũng có thể sử dụng phương thức xét điểm thi THPT.
Một học sinh khác hỏi: “Phương thức xét tuyển học bạ ở Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn như thế nào? Thời gian nộp hồ sơ cho phương thức này có mấy đợt?”. Thầy Trần Văn Trắng, cán bộ Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ: “Các em có thể sử dụng điểm trung bình học bạ lớp 12 đạt từ 6,0 trở lên, hoặc điểm trung bình 3 học kỳ của 3 năm học lớp 10, 11, 12. Trường kết thúc đợt 1 của phương thức xét học bạ là 30.6. Ngoài ra, trường còn sử dụng điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức”.
Một học sinh ở Trung tâm GDTX Chơn Thành hỏi có phải nộp hồ sơ vào các ngành học mới thì cơ hội trúng tuyển cao. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho rằng thông thường ngành mới ít TS biết nên cơ hội trúng tuyển cao, bên cạnh đó nhu cầu nhân lực cần nên cơ hội việc làm khá lớn. Theo thạc sĩ Xuân Dung, nếu TS nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ ngay từ bây giờ thì cơ hội trúng tuyển cao hơn do điểm chuẩn các đợt sau bằng phương thức này thường sẽ cao hơn đợt đầu.
Đăng ký trước, bổ sung hồ sơ sau
Một học sinh thắc mắc: “Em đợi đến khi thi tốt nghiệp THPT xong mới nộp hồ sơ vào các ngành đào tạo Trường CĐ Bách Việt như vậy có trễ quá không hay là em phải đăng ký online sớm để giữ chỗ?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, chia sẻ: “Thông thường các trường đều tổ chức tuyển sinh theo các đợt. Khi có điểm thi tốt nghiệp THPT xong em hoàn toàn có thể nộp hồ sơ vào trường. Tuy nhiên để TS an tâm và chủ động, trường mở kênh trực tuyến để các em có thể đăng ký xét tuyển trước bằng phương thức học bạ THPT, sau khi có điểm thi và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời các em sẽ bổ sung”.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Quang Trung, Chủ tịch Hội đồng trường Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho biết: “Trường tuyển sinh 2 hệ quốc gia và quốc tế ở các ngành như cơ khí, điện tử, tự động hóa, robot công nghiệp... Các em chỉ cần tốt nghiệp lớp 12 là đủ điều kiện đối với chương trình quốc gia. Đối với chương trình quốc tế, TS tốt nghiệp lớp 12 và yêu cầu học lực khá trở lên, khi hoàn thành chương trình nếu TS đạt chứng chỉ B1 tiếng Đức sẽ được xem xét sang Đức làm việc với mức lương cao”.
Cách chọn tổ hợp môn
Một điều hết sức quan trọng đối với học sinh lúc này là việc chọn tổ hợp môn xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết: “Các em có thể sử dụng các tổ hợp khác nhau để xét vào cùng một ngành của cùng một trường. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, một ngành có tối đa 4 tổ hợp. Về nguyên tắc, các em nên chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất để xét. Các tổ hợp được xét công bằng nhau, chỉ một số ngành đặc thù mới yêu cầu môn quan trọng hơn.
Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết trường có 11 tổ hợp môn, mỗi ngành 4 tổ hợp môn. Trong đó toán, văn, tiếng Anh và toán, lý, hóa là 2 tổ hợp có tính phổ quát cao nhất với 60 - 70% ngành nghề ở trường có tổ hợp môn này.
Đối với các trường CĐ đa số cũng xét tuyển theo các tổ hợp phổ biến như toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh; văn, sử, địa; toán, văn, ngoại ngữ tùy vào từng ngành học.
|
Bình luận (0)