Theo bà Hà Thu Giang, tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro đang được kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, cuối 2023, tín dụng cho chứng khoán chỉ chiếm 0,62% tổng dư nợ nền kinh tế; số dư đầu tư trái phiếu theo giá trị gốc của toàn hệ thống tổ chức tín dụng giảm 30,3% so với đầu năm; tín dụng với BOT, BT giao thông giảm 6,79% so với cuối 2022k; tín dụng bất động sản đạt trên 2,88 triệu tỉ đồng, tăng 11,81% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tăng 3,38% và tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,08%.
Đến 31.1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Giải thích rõ hơn, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng giảm trong tháng 1 là tình trạng chung những năm gần đây. Nguyên nhân đầu tiên là tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó. Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ 'room' tín dụng toàn bộ ngay từ đầu năm, rất rộng rãi. Vì vậy, tín dụng giảm trong tháng 1 không phải do cơ chế chính sách.
Các ngân hàng tham gia hội nghị như Vietcombank, BIDV, đều cho biết tín dụng giảm do bối cảnh kinh tế còn khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp có ít hợp đồng vay, thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu vay mua nhà cũng giảm…
Bình luận (0)