Giáo hoàng Francis, người đứng đầu Tòa thánh Vatican cũng như Giáo hội Công giáo toàn cầu, đã đưa ra ý kiến của mình trong một câu trả lời cho 5 câu hỏi từ 5 vị hồng y có xu hướng bảo thủ ở châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ và khu vực Mỹ Latinh, theo Reuters.
Các hồng y đã gửi cho giáo hoàng một loạt câu hỏi chính thức, được gọi là "dubia" (tiếng Latin, có nghĩa là "nghi ngờ"), về nhiều các vấn đề từ đồng tính luyến ái cho đến việc phong chức cho phụ nữ trong giáo hội, trước thềm Công nghị sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 4.10.
Một trong những câu hỏi liên quan đến việc các linh mục Công giáo ban phước cho các cặp đôi đồng giới "kết hợp dân sự", một hình thức chung sống có đăng ký giữa hai người đồng giới, tương tự như kết hôn. Quan điểm chính thức hiện tại của Vatican tuyên bố rằng giáo hội không được phép ban phước cho các cặp đôi như vậy vì "Chúa không thể ban phước cho tội lỗi", và cũng không chấp nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, các linh mục Công giáo ở nhiều nơi tại châu Âu đã ban phước cho các cặp đôi "kết hợp đồng giới" trong những năm qua mà không vấp phải sự cấm cản của Vatican.
Trao đổi bằng văn bản diễn ra vào tháng 7 và Vatican đã công bố các câu trả lời của Giáo hoàng Francis hôm 2.10, sau khi 5 vị hồng y đơn phương tiết lộ hành động của mình, cho biết họ không hài lòng với câu trả lời của giáo chủ người Argentina.
Trong câu trả lời được chia làm 7 điểm, Giáo hoàng Francis cho biết Giáo hội Công giáo vẫn khẳng định rằng bí tích hôn nhân chỉ có thể được thực hiện giữa một người nam và một người nữ và giáo hội nên tránh bất kỳ nghi lễ hoặc nghi thức bí tích nào khác mâu thuẫn với giáo lý này.
Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis cho rằng “bác ái mục vụ” đòi hỏi sự kiên nhẫn và hiểu biết, và các linh mục không thể trở thành thẩm phán “chỉ phủ nhận, bác bỏ và loại trừ”. Do đó, các linh mục "phải phân định một cách thích đáng xem liệu có những hình thức ban phước nào, được một hoặc nhiều người yêu cầu, mà không truyền tải quan niệm sai lầm về hôn nhân".
Theo giáo hoàng, các giáo phận không cần phải biến hoạt động bác ái mục vụ đó thành các quy tắc hoặc nghi thức cố định, đồng thời cho biết vấn đề có thể được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể vì đời sống giáo hội đã vươn ra ngoài các khuôn khổ.
Theo giáo hoàng, đôi khi những lời cầu xin phước lành là một phương tiện để con người đến với Chúa để có cuộc sống tốt đẹp hơn, ngay cả khi một số hành động “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức một cách khách quan”.
Giáo hoàng Francis nói một số nước "làm trò" với Ukraine
Giáo hoàng Francis, một người được cho là có tư tưởng cởi mở hơn so với những người tiền nhiệm, trước đó từng thể hiện sự ủng hộ đối với các luật dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của các cặp đồng giới.
Bình luận (0)