* NHẬN ĐỊNH TRƯỚC TRẬN ĐẤU
"Kiểm soát bóng" là cụm từ được HLV Philippe Troussier nhắc đến nhiều nhất khi đề cập đến triết lý của mình. Ông muốn đội tuyển Việt Nam cầm bóng nhiều, triển khai dàn xếp đội hình bài bản từ sân nhà, ưu tiên chuyền ngắn khi luân chuyển bóng và "kết liễu" đối thủ bằng những tình huống mở, tức là phối hợp tuần tự ghi bàn, thay vì chỉ trông đợi vào tình huống cố định.
Tuy nhiên, thực tế yêu cầu của ông Troussier với học trò không phải là gặp đối thủ nào cũng phải cầm bóng nhiều hơn.
Ngay trong ngày ra mắt, ông đã nhấn mạnh: "Chiến thuật đá với Lào sẽ khác đá với Brazil, bóng đá cần thay đổi linh hoạt". "Phù thủy trắng" cũng hiểu thực lực đội tuyển Việt Nam khi đề cập rằng ở các trận khó, các cầu thủ chỉ cầm bóng khoảng 30 đến 35% thời lượng. Vấn đề là phải làm gì với thời lượng cầm bóng ít ỏi ấy.
Hai trận đấu gặp Trung Quốc và Uzbekistan đã giúp HLV Troussier cùng học trò vẽ bức tranh toàn cảnh khó khăn khi phải gặp những đội bóng mạnh. Với cuộc so tài gặp Trung Quốc, là con số 63% thời lượng kiểm soát nhưng bế tắc về ý tưởng trước đối thủ tổ chức đội hình tốt, vây bắt chặt và phản công nhanh. Với Uzbekistan, là con số chưa tới 40% thời lượng, bị đối thủ áp đảo toàn diện, không có giải pháp tấn công.
Cuộc so tài với Hàn Quốc tối nay (17.10) sẽ mô phỏng những khó khăn mà Quang Hải cùng đồng đội phải đối diện nếu muốn đến World Cup. Một trận đấu với chỉ khoảng 30% thời lượng cầm bóng, còn 70% khoảng thời gian còn lại phải căng mình đuổi theo bóng.
Phải lùi sâu phòng ngự, bị pressing "nghẹt thở", phải triển khai lên bóng ở khoảng cách xa cầu môn đối thủ, cơ hội phản công chỉ đếm trên đầu ngón tay... HLV Troussier cùng học trò sẽ giải toán thế nào?
Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam từng phải chơi những trận đấu như vậy. Ngoại trừ trận hòa đội Nhật Bản có phần may mắn và chiến thắng trước đội Trung Quốc đã rệu rã, Việt Nam thua 8 trận còn lại trước Ả Rập Xê Út (1-3, 0-1), Oman (1-3, 0-1), Nhật Bản (0-1), Úc (0-1, 0-4) và Trung Quốc (2-3).
Tình trạng của đội tuyển Việt Nam ở 8 trận thua này khá giống nhau: cùng đá với sơ đồ phòng ngự 5 hậu vệ, lùi rất sâu để bảo vệ khung thành, chờ đợi sai sót của đối thủ để phản công. Tuy nhiên, khoảng cách trình độ rất lớn khiến đối thủ của Việt Nam ít mắc sai lầm. Và khi sai lầm xuất hiện, cầu thủ Việt Nam cũng không đủ giỏi để tận dụng.
HLV Troussier nhắc lại 8 trận thua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 để vạch rõ giới hạn của bóng đá Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam hiển nhiên không thể cầm bóng nhiều hơn Uzbekistan hay Hàn Quốc, vậy nên, đòi hỏi của ông Troussier ở các trận đấu này sẽ phù hợp hơn.
Đội bóng của chiến lược gia người Pháp vẫn phòng ngự với 5 hậu vệ và phải đá phản công, nhưng không thụ động chờ đối thủ mắc sai lầm (ở các tình huống ông gọi là "ngẫu nhiên"), mà tận dụng khoảng thời gian cầm bóng ít ỏi để có những pha dàn xếp tấn công chủ động, hướng quả bóng lên với ý đồ rõ ràng.
Đó là sự nâng cấp cần thiết về tư duy, nhưng chiến thuật chỉ hiệu quả nếu phù hợp với cầu thủ.
Dù vậy, cần nhắc lại rằng đây mới là giai đoạn thử nghiệm, lắp ráp, mà điều quan trọng nhất không phải kết quả, mà là những gì ban huấn luyện thu hoạch để thay đổi cho vòng loại World Cup 2026.
Đối thủ càng mạnh và quyết tâm, trải nghiệm tích lũy được càng quý giá. HLV Troussier khẳng định: "Tôi nói với các cầu thủ rằng đây không phải bài kiểm tra hay thử thách. Trận đấu này như một món quà vì các cầu thủ được chạm trán với những cái tên hàng đầu thế giới".
Khi ra sân với tâm thế vừa đá vừa học, thì việc so tài với Hàn Quốc là cơ hội vàng để đội tuyển Việt Nam hiểu rằng một đội bóng hàng đầu châu Á sẽ vận hành thế nào, từ đó mà cả thầy lẫn trò sẽ có định hướng phù hợp hơn cho tham vọng World Cup.