HLV Nguyễn Minh Thơ (TP.HCM) cho biết đã tổ chức ghi hình các nội dung hoạt động giao lưu để có thể học tập những điều hay của các HLV giỏi và những VĐV từng đoạt vị trí cao của Nhật Bản đem đến trong đợt giao lưu này. Tuy chưa có thời gian để xem lại đầy đủ, cảm nhận đầu tiên của ông là những "sứ giả" từ đất nước mặt trời mọc không chỉ thiên về kỹ thuật mà họ đều xứng đáng là những "nghiên cứu sinh" về bộ môn này. Trong quá trình tập luyện, có vẻ như các VĐV này không quá lệ thuộc vào HLV bởi chính họ cũng ý thức được việc tự nghiên cứu, học hỏi để tìm ra "bộ pháp" và lối đánh phù hợp với thể trạng của mình nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong thi đấu.
Trong 6 VĐV Nhật Bản có mặt trong cuộc giao lưu nói trên, có đến 4 VĐV đã từng đoạt huy chương bạc hoặc huy chương đồng đơn nam giải vô địch quốc gia Nhật Bản từ 2013 – 2016. Các VĐV này ban ngày hiện vẫn đi làm, đến buổi tối mới gặp nhau để tập luyện. Tuy vậy, nhờ được hưởng một nền thể thao phát triển từ nhỏ ngay khi đi học phổ thông nên dù không còn tập bóng bàn chuyên nghiệp, họ vẫn giữ được kỹ thuật tốt và có sức mạnh tốc độ rất cao.
Khi thi đấu với các VĐV Việt Nam ở tuyển quốc gia và tuyển TP.HCM , các VĐV Nhật Bản vẫn biết giữ được thế đứng trọng tâm để tung ra nhiều quả tấn công uy lực ở các vị trí thay đổi. Đơn cử như Tomoki Hirano tuy nhỏ con nhưng có cường độ tấn công rất cao, thi đấu luôn tỉnh táo. Đặc biệt, tay vợt từng đoạt HCĐ đơn nam Nhật Bản 2016 này và các VĐV Nhật Bản còn lại của nước bạn đều có bước chân "hoàn bộ" rất tốt, tìm lại trọng tâm nhanh chóng để đạt ưu thế trong thế trận giằng co.
HCĐ đơn nam Nhật Bản 2016 Tomoki Hirano (bìa phải) - Ảnh: Nhựt Quang
|
Các VĐV hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Anh Tú, Lê Tiến Đạt, Dương Văn Nam… ở cuộc giao lưu này vẫn không thắng được các VĐV Nhật Bản "đang lùi về thế nghiệp dư" một phần vì còn yếu trong "hoàn bộ" nên đôi lúc chỉ cần vài lần chạm bóng là mất trọng tâm, thậm chí té ngã làm mất cơ hội thắng điểm. Qua kinh nghiệm này, đây cũng là một bài học mà các HLV đội tuyển quốc gia cần nghiên cứu.
Không chỉ có những cuộc thi đấu đỉnh cao nêu trên, đợt giao lưu bóng bàn Việt - Nhật lần này còn đem lại cho các VĐV tuyến 2 và các VĐV trẻ nhiều thích thú qua những bài tập khác lạ từ ban huấn luyện các đội Kyowa Kirin và Citizen. Tất cả VĐV Việt Nam và những người hâm mộ còn được giao lưu, được nghe thêm những kinh nghiệm quý giá của các tuyển thủ hai nước.
Nhật Bản đang dần trở lại thời hoàng kim ở thập niên 1950 mà họ từng bá chủ thế giới bằng thành tích cả hai đội nam nữ mới đây vào chung kết giải vô địch thế giới với số 1 Trung Quốc. Theo HLV Vũ Văn Trung (đội Hà Nội): "Một trong những nguyên nhân có được thành tích này là gần đây ở tất cả các giải quốc tế dự tranh, Nhật Bản thường có một ê-kíp đi theo để nghiên cứu, phục vụ mục tiêu sớm đánh bại cường quốc bóng bàn Trung Quốc".
Các VĐV Việt Nam tham dự giao lưu - Ảnh: Nhựt Quang
|
Tổng thư ký Liên đoàn bóng bàn TP.HCM (HTTF) Từ Nhân Luân cho rằng, chúng ta đã học hỏi rất nhiều qua đợt giao lưu này mà "Đáng mừng nhất là qua thực tế những kinh nghiệm của nước bạn, đã có được thay đổi cách suy nghĩ của chính VĐV trong nước khi tự mình đã nghĩ rằng phải nỗ lực nghiên cứu để cùng HLV hoàn thiện kỹ thuật giúp bóng bàn Việt Nam nhanh chóng tiến bộ".
Về phương diện quản lý, ông Mai Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM – khẳng định: "Đợt giao lưu do HTTF và Công ty TNHH Take Co. phối hợp tổ chức đạt kết quả tốt đã mở ra cơ hội cho chúng ta với 2 đội bóng của đất nước hiện đang xếp thứ hai bóng bàn thế giới, từ đó có thể gởi VĐV sang Nhật Bản tập huấn hoặc mời chuyên gia của họ sang giúp mình". Ông Hùng chỉ đạo tiếp tục làm tốt giải quốc tế "Cây vợt vàng" và tìm hướng linh hoạt để mời thêm một số CLB cả nước ngoài lẫn trong nước, làm cho giải sôi nỗi hơn và hấp dẫn đông đảo người xem.
Bình luận (0)