Tường An đã chia sẻ một cách cởi mở hết tấm lòng với nhiều bạn trẻ tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo Thanh Niên thực hiện chiều 20.8 tại địa chỉ thanhnien.vn
Sợ thất bại để không thất bại
|
Bùi Sơn Bảo (lớp 9/28, Trường quốc tế Á Châu) đặt câu hỏi: “Những khó khăn gì chị gặp phải trong quá trình đi du học bên nước ngoài?”.
Tường An bộc bạch: “Lúc còn học tiểu học, tiếng Anh chỉ là những câu chào đơn giản. Lên lớp 6 mới học lại từ đầu, kiến thức lúc ấy hết sức hạn hẹp. Đến năm lớp 7 thì mình nghĩ đến ý tưởng đi du học nhưng ở quê lúc đó không có một trung tâm ngoại ngữ nào nên phải lên mạng để tìm kiế́m trang web và học. Rồi mày mò tìm hiểu tài liệu ngôn ngữ học thuật về du học. Nhưng thật sự lúc đầu qua nước bạn, mình cũng không tự tin khi kiến thức giao tiếp mình chỉ học qua mạng”.
Tường An cũng chia sẻ: “Khó khăn ở trên đường chúng ta đi đều có lý do của nó. Khó khăn sẽ không làm mình từ bỏ đam mê hay làm mất hết động lực để phấn đấu”. Và cô gái chưa tròn 18 tuổi khi nhận được học bổng của những trường ĐH danh giá này luôn khẳng định một điều là không thể chấp nhận thất bại.
“Vậy chị làm sao để giải quyết được những thất bại. Vì dù chị khó chấp nhận những thất bại nhưng trên bước đường chị đi qua không thể không có những thất bại?”, Lý Tuấn Hiền (lớp 10/19 Trường quốc tế Á Châu) thắc mắc.
Tường An nhấn mạnh: “Thất bại là điều khó tránh. Những lúc thất bại mình ngồi nhà và khóc hai tuần liền. Nhiều người hỏi tại sao lại như vậy. Vì mình sợ thất bại, rất sợ thất bại. Sợ thất bại để mình sẽ cố gắng nhiều hơn, để cân đo đong đếm những gì mình đã làm và không bao giờ tái phạm. Một khi bạn sợ điều gì đó bạn sẽ không bao giờ muốn điều đó xảy đến một lần nào nữa và bạn sẽ cố gắng hết mình cho điều mình đang làm”.
Muốn đam mê cần có sự hiểu biết
|
Còn về lựa chọn nghề nghiệp, Tường An chia sẻ: “Làm sao một học sinh có thể biết bạn đam mê gì vì chưa thực sự tiếp cận với công việc đó. Sự đam mê một môn học còn phụ thuộc vào sự hiểu biết của bạn về môn học đó. Chẳng hạn, ở cấp 2, mình ghét các môn xã hội và không biết thích học môn nào. Nhưng khi qua Mỹ, môi trường thay đổi, từ lần đầu tiên tranh cãi với thầy về lịch sử VN thì hứng thú với môn học này bắt đầu được xây dựng. Đó là cả một quá trình và chúng ta cần có một khoảng thời gian để xây dựng nó”.
Từ kinh nghiệm bản thân, Tường An cho biết gia đình cô không có ai theo học lĩnh vực khoa học xã hội và ba mẹ từng mong muốn cô trở thành bác sĩ để làm việc gần nhà. Tuy nhiên, đến một thời điểm An nhận thấy mong muốn đó không thực sự phù hợp với bản thân và mình có những quan điểm riêng để thuyết phục ba mẹ cho lựa chọn ngành nghề của mình. “Mình chọn ngành chính trị học vì theo mình đó là yếu tố quyết định đến sự thay đổi con người”, Tường An cho biết.
Làm sao để biết mình thích gì ?
Một câu hỏi ấn tượng được Hồ An Thịnh (lớp 10) đặt ra trong buổi giao lưu: “Mẹ thường hỏi em thích gì và em không trả lời được nên chỉ nói không biết mình thích gì. Em từng mang câu hỏi này đi hỏi các bạn khác và phần lớn có câu trả lời tương tự như em. Hôm nay em muốn đặt câu hỏi với chị: Tường An, chị thích gì?”.
Tường An cho biết ước mơ và sở thích là 2 thứ khác nhau. Cô gái trẻ phân tích sự khác nhau này bằng ví dụ hiện hữu của bản thân: “Chị có ước mơ trở thành luật sư nhưng ngay bây giờ vẫn chưa biết công việc mà chị thích có phù hợp không vì chị chưa có trải nghiệm về nó. Tuy nhiên, việc chị muốn trở thành luật sư vì thích được tranh cãi, vì thấy luật ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào”.
Nhiều bạn trẻ đặt ra câu hỏi về tính cách của chủ nhân 12 học bổng du học Mỹ. Nguyễn Tuấn Khôi (lớp 10) hỏi: “Chị là người quyết đoán, vậy làm sao chị giữ được kế hoạch mà không bị tác động bởi bên ngoài?”. Tường An định nghĩa sự quyết đoán của bản thân: “Quyết đoán là đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và sẽ không thay đổi quyết định nếu chưa có những lập luận, lý lẽ đưa ra một cách thuyết phục. Tuy nhiên, dự định cụ thể vẫn có thể thay đổi hằng ngày, chẳng hạn ngay khi đang ngồi nói chuyện ở đây nhưng những kế hoạch tối nay có thể thay đổi rồi.
Bình luận