Giao lưu với nữ thương binh tiêu biểu, vượt khó

23/07/2015 22:49 GMT+7

(TNO) Chiều 23.7, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu và tặng quà cho nữ thương binh tiêu biểu vượt khó với chủ đề Hoa giữa đời thường nhân kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2015).

(TNO) Chiều 23.7, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu và tặng quà cho nữ thương binh tiêu biểu vượt khó với chủ đềHoa giữa đời thường nhân kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2015).

Các nữ thương binh giao lưu với khán giả - Ảnh: Lê Thanh
Các nhân vật giao lưu tại chương trình gồm: Bà Nguyễn Thị Mai (thương binh bậc 2/4, hội viên phụ nữ Q.Tân Bình), bà Đoàn Lê Phong (thương binh bậc 2/4, hội viên phụ nữ Q.10), bà Lê Thị Tuyết Nga (thương binh bậc 3/4, hội viên phụ nữ Q.6). Đây là những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần gan dạ, mưu trí, tài năng và sáng tạo.
Bà Nguyễn Thị Mai (72 tuổi), sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nhớ lại: “Từ nhỏ đã tham gia làm giao liên cho huyện đội. Khi 21 tuổi, ngưỡng mộ tiếng tăm biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định, tôi đã xin mẹ vào Sài Gòn gia nhập đội Biệt Động 90C để tham gia cách mạng”. Với biệt danh “Con thoi sắt”, bà đã len lỏi khắp Sài Gòn, vượt qua mưa bom bão đạn vận chuyển vũ khí và tài liệu cho cách mạng. Ba lần bị địch bắt và chịu nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù, đau đớn về thể xác đến mức chết đi sống lại nhưng bà vẫn quyết không khai, giữ bí mật cho cách mạng.
Bà Đoàn Lê Phong (65 tuổi), là con gái của liệt sĩ Đoàn Văn Bơ. Tham gia kháng chiến từ năm 14 tuổi, thoát ly gia đình vào rừng làm cách mạng. Nhiều lần bị địch bắt, vào tù với những đòn tra tấn dã man: “Trước khi vào tù tôi 53 kg nhưng sau khi ra tù chỉ còn có 35 kg. Mặc dù sức khỏe rất yếu nhưng tinh thần rất vững và lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ, khí thế hừng hực. Cũng chính vì điều đó mà đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, gian khổ trong chiến tranh”, bà Phong bộc bạch.
Còn bà Lê Thị Tuyết Nga tham gia làm cách mạng từ lúc 8 tuổi với công việc làm giao liên. 14 tuổi thoát ly gia đình tham gia cách mạng và trải qua nhiều gian khổ. Sau chiến tranh, mặc dù đã lớn tuổi, mang trong mình nhiều chứng bệnh do hậu quả của chiến tranh để lại nhưng bà vẫn đăng ký các lớp học văn hóa, chuyên môn rồi đảm đương nhiều chức vụ trọng trách quan trọng và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc.
Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, bà Nga nói: “Các bạn trẻ sống trong hòa bình, có điều kiện hơn thời của chúng tôi thì nên ra sức học tập, cố gắng trau dồi kiến thức bởi không ai biết từ trong bụng mẹ biết ra cả. Đừng bao giờ che giấu những cái dở và điểm yếu của mình”.
Dịp này, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tặng 20 phần quà cho nữ thương binh tiêu biểu vượt khó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.