Giao nộp 'hàng nóng', xã hội sẽ an toàn hơn

19/07/2016 10:45 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã chia sẻ ý kiến với tòa soạn về vấn đề nêu trong hai bài Đổi “hàng nóng” lấy... dầu ăn và Giã từ hung khí trên Thanh Niên ngày 18.7.

Quá hay
Việc công an vận động người dân giao nộp hung khí là việc làm quá hay. Tôi cho rằng cần phải tuyên truyền, vận động nhiều hơn nữa để nhiều người biết mà tự giao nộp hung khí cho cơ quan. Việc đổi hung khí lấy… dầu ăn cũng khá hay, món quà tuy không lớn nhưng khuyến khích người dân tự giác, nhất là những người lượm được hung khí.
Đào Văn Phúc
(Q.5, TP.HCM)
Bỏ hung khí đi
Khi dọn về nhà mới, bản thân tôi cũng “thủ” một cây sắt trong nhà. Tôi nói với vợ là “để phòng trộm cướp, lỡ nó tấn công mình thì mình cũng có cái để… phang lại nó”. Tôi nghĩ, tư tưởng và hành vi này cũng tồn tại ở nhiều người. Và như thế thì lượng hung khí tồn tại trong mỗi nhà dân hiện là rất lớn. Trước khi đọc bài viết này, tôi đã mang vứt cây sắt “phòng thân” ấy đi rồi, bởi tôi thấy nó chẳng cần thiết nữa. Mình phải đề phòng cửa nẻo, cảnh giác thì chẳng trộm nào đột nhập được vào nhà. Để hung khí trong nhà cũng đôi khi ỷ lại, cứ nóng trong người hay bực ai đó là nghĩ đến cây sắt, muốn lấy nện cho đối phương một cái. Vì thế mà tôi đã bỏ đi để tránh hậu họa.
Phạm Văn Dũng
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Giã từ hung hãn
Tôi ấn tượng với anh thanh niên vừa cưới vợ đã mang hung khí đi nộp cho công an nhưng sợ vợ biết. Cần lắm những thanh niên như thế. Đó là hành vi xuất phát từ suy nghĩ chín chắn, hoàn toàn lương thiện của anh ấy.
Một khi con người đã không còn suy nghĩ đến đâm chém nhau, tính thiện trỗi dậy thì không cần phải tàng trữ hung khí làm gì. Nếu những thanh niên có tính hung hãn, luôn muốn gây sự mà “ngộ” ra, tự ý giao nộp hung khí thì hay lắm!
Phạm Thanh Thúy
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
Cần nhân rộng
Các địa phương khác nên học theo TP.HCM để triển khai phong trào này. Ai có chút “máu giang hồ”, “máu đánh nhau” đều có tư tưởng tàng trữ hung khí để phòng thân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ án nghiêm trọng, gây thương tích hoặc chết người. Một khi đã không tàng trữ hung khí nữa thì dù có tức giận, nóng nảy, người ta sẽ chẳng có gì để sử dụng mà gây thương tích hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người khác. Vì vậy, cuộc vận động này của công an TP.HCM là rất thực tế, cần nhân rộng.
Đào Nguyên Nguyễn
(H.Nhà Bè, TP.HCM)
Nguyễn Hoàng Thái
Giữ hung khí trong nhà thì lòng người sẽ rất nặng nề, bất an. Nó tạo cho người giữ nó cái ảo giác về một thứ sức mạnh bên ngoài bản thân. Người ta dễ vịn vào hung khí, vịn vào sức mạnh ảo mà trở nên hung hãn, dễ làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật. Do đó, một khi đã giao nộp, đã giã từ hung khí thì đồng nghĩa với việc giã từ sự hung hãn, hướng cuộc sống của mình đến những điều nhẹ nhàng hơn. Rất mong nhiều người đang giữ hung khí suy nghĩ thấu đáo mà vui vẻ giao nộp cho cơ quan công an.
Nguyễn Hoàng Thái 
(H.Nhà Bè, TP.HCM)
Nguyễn Hoàng Minh
Thiết nghĩ công tác vận động người dân giao nộp vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... nên được tổ chức thường xuyên, gắn liền với các cuộc họp tổ dân phố hoặc thông qua băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền. Khi tiếp nhận, ngoài quà thì thái độ vui vẻ, niềm nở, khích lệ của cán bộ công an cũng là điều cần chú ý.
Nguyễn Hoàng Minh 
(H.Bến Lức, Long An)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.