Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Không bao giờ đầu hàng cái khó

24/12/2012 06:00 GMT+7

“Trong hành trình làm nghề y, tôi luôn nhất quán mục tiêu của mình. Đã làm gì là phải làm đến cùng, không được lung lay khi gặp khó. Cả công trình thụ tinh trong ống nghiệm và cô đỡ thôn bản tôi cũng nhất quyết phải tìm tòi, làm bằng được”.

Dù đã bước sang tuổi 70, Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM, vẫn tất bật làm việc với mong muốn “chừng nào bệnh nhân còn cần tôi thì chừng đó tôi còn cống hiến”.

Lúc “con” bệnh phải tìm ra cách chữa

Nhắc đến bác sĩ (BS) Ngọc Phượng, nhiều người thường nhớ ngay đến công trình  thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) mà bà đã dày công tìm hiểu ở nước ngoài và mang kỹ thuật đó về áp dụng tại Việt Nam. Khi đó, dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng BS Ngọc Phượng vẫn quyết tâm đưa kỹ thuật này về nước và thắp lại niềm hy vọng cho rất nhiều gia đình hiếm muộn.

 Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh: Thanh Tùng

“Hồi còn là sinh viên y khoa, mỗi lần được đến BV phụ đỡ đẻ nhìn đứa trẻ được sinh ra đời tôi thấy mê quá. Từ trứng chút xíu, tinh trùng chút xíu mà tạo thành tế bào rồi sau 9 tháng 10 ngày thì một sinh linh chào đời khóc oe oe, sau đó bé cứ lớn lên từng ngày thấy kỳ diệu lắm! Tôi mê sản khoa cũng từ điều kỳ diệu ấy. Chính vì vậy, khi đã công tác tại BV Từ Dũ, nhìn cảnh những gia đình hiếm muộn trông chờ đứa con của họ đến mòn mỏi mà tôi bứt rứt vô cùng. Phải làm sao để giúp họ? Suy nghĩ đó luôn thường trực trong tôi”, BS Phượng kể lại.

Sau đó, bà đã bắt tay ngay vào nghiên cứu và ra nước ngoài tìm hiểu về phương pháp này. Nhiều người tỏ ra e ngại về việc làm của BS Phượng, số khác khuyên bà nên lo việc đặt vòng cho chị em trước hơn là việc đi lo chữa hiếm muộn. BS Ngọc Phượng bộc bạch: “Nói “lương y như từ mẫu” thì người mẹ ở đây, khi con đói phải tần tảo nuôi con, khi con bệnh phải tìm ra thuốc, ra cách điều trị cho con. Người mẹ hiền không phải cứ ngồi vuốt ve và nói suông là thương con. Đó chính là lý do mà giữa thời cuộc vô cùng khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm đưa bằng được kỹ thuật này về Việt Nam”.

Cuối cùng, sau những cố gắng của BS Phượng và ê kíp BV Từ Dũ, năm 1998, 3 em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp TTTON đã làm những niềm vui vỡ òa. “Vui vì cuối cùng bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của những người mang công nghệ từ nước ngoài về như chúng tôi cũng được chứng minh bằng kết quả xứng đáng. Vui vì từ đây, lại có biết bao gia đình hiếm muộn sẽ được chào đón những đứa con của họ. Vui vì Việt Nam mình vẫn tiến kịp với thế giới một bước trong y học”, BS Phượng chia sẻ.

Cho đến hôm nay, phương pháp TTTON càng chứng tỏ được hiệu quả. BV Từ Dũ đã chuyển giao kỹ thuật này cho nhiều BV khác trong cả nước. Hiện nước ta có 15 trung tâm điều trị hiếm muộn với tỷ lệ thành công trung bình khoảng 40%, đứng hàng cao trong khu vực.

Tuy đã chuyển giao cho lớp BS trẻ đảm nhiệm phương pháp TTTON nhưng BS Ngọc Phượng vẫn được tin tưởng với vai trò cố vấn chuyên môn. Bà cũng tự hào rằng con gái là BS Vương Thị Ngọc Lan (công tác tại Đại học Y Dược TP.HCM) đang tiếp nối công tác điều trị vô sinh hiếm muộn mà bà theo đuổi trong suốt sự nghiệp và nỗ lực mang lại hy vọng cho rất nhiều gia đình muộn con.

Y học phải hướng đến cộng đồng

“Công trình TTTON là kỹ thuật cao cần có để tiến kịp với thế giới nhưng đồng thời y học phải hướng đến tính cộng đồng”, BS Phượng khẳng định. Bà cũng bảo rằng, một người BS làm lãnh đạo thì tầm nhìn phải rộng ra. Làm kỹ thuật cao là để những bệnh khó mình chữa trị được, người dân không phải mất tiền ra nước ngoài chữa và cũng để đưa y tế tiến kịp các nước khu vực và trên thế giới. Mặt khác, muốn giảm tử vong cho bệnh nhân, như ở ngành sản là bà mẹ và trẻ sơ sinh thì phải có cái nhìn bao quát, giảm ở những thôn, bản, xã, nhất là vùng dân tộc thiểu số. “Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu sản phụ sinh nở thì lại có hơn 100.000 sản phụ tử vong, con số tử vong này còn lớn hơn nhưng không cụ thể vì ở vùng dân tộc thiểu số mình không thống kê được nên nếu giảm được tỷ lệ này rất quan trọng. Đây là điều thiết thân với sản phụ”, BS Phượng lý giải.

Ban đầu, BS Phượng kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ T.Ư  đưa cán bộ phụ nữ người dân tộc thiểu số về để đào tạo kỹ năng vận động quần chúng. Ngoài ra, mỗi ngày cán bộ phụ nữ sẽ đến BV Từ Dũ để được đào tạo về chuyên môn trong 6 tháng. Đó là mô hình cô đỡ thôn bản (CĐTB) lứa đầu tiên. “Kết quả rất tốt nên sau đó chúng tôi tiếp tục vận động thêm để có tiền đào tạo cho các cô đỡ. Từ năm 1993 bắt đầu có vài lớp nhỏ, từ năm 1997 chúng tôi mở nhiều lớp khác. Đến cuối năm 2005, có 875 cô đỡ hoạt động rất tốt khiến tôi vô cùng hạnh phúc”, BS Phượng nhớ lại.

BS Phượng cắt nghĩa, phát triển y tế thôn bản quan trọng ở chỗ nâng cao sức khỏe cộng đồng, quan tâm chăm lo tốt hơn cho sức khỏe sản phụ và trẻ sơ sinh để phát hiện những trường hợp nguy cơ cao còn biết chuyển lên tuyến trên. “Tôi nghĩ rằng đây cũng là suy nghĩ hết sức sáng tạo, việc làm sáng tạo cần được nhân rộng. Nhóm CĐTB ở các tỉnh Tây nguyên đã làm được 10 năm và không xảy ra tử vong, tai biến ở bất kỳ thôn, bản nào, hiện nay tỉnh Hà Giang cũng đang làm rất tốt mô hình này”.

Đến nay mô hình CĐTB do BS Ngọc Phượng khởi xướng ngày càng được nhân rộng đến các vùng dân tộc thiểu số trên cả nước. Các cô đỡ ngày càng phát huy được vai trò, sức khỏe cộng đồng cũng như sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh ngày càng được chú trọng ở vùng sâu, vùng xa. Niềm vui này, nói như BS Phượng “có cho bao nhiêu vàng bạc, kim cương cũng không thể đổi được”. 

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Nói “lương y như từ mẫu” thì người mẹ ở đây, khi con đói phải tần tảo nuôi con, khi con bệnh phải tìm ra thuốc, ra cách điều trị cho con. Người mẹ hiền không phải cứ ngồi vuốt ve và nói suông là thương con.

Sáng tạo vì Khát vọng Việt

Hà Minh

>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: Căn bản là xác lập được giá trị đúng
>> Nguyễn Trí Kiên - Không ngừng học hỏi để thành công
>> Có một người phụ nữ Việt như thế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.