Giáo sư Dương Nghiệp Chí: Chờ thêm 20 năm nữa

10/04/2012 03:04 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên, Giáo sư - tiến sĩ Dương Nghiệp Chí (ảnh), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), cho rằng Việt Nam nên để sau năm 2030 mới đăng cai.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Giáo sư - tiến sĩ Dương Nghiệp Chí (ảnh), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), cho rằng Việt Nam nên để sau năm 2030 mới đăng cai.

Ông Dương Nghiệp Chí nói: “Nếu nước ta đăng cai Asiad 2019 thì quá vội vàng, vì trình độ thể thao VN hiện đang ở mức thấp, 7 năm nữa sẽ không kịp đào tạo một lứa vận động viên (VĐV) đỉnh cao để thi đấu giành thành tích cao. Nếu thi đấu quá chênh lệch với nhiều trận đấu mà VĐV VN thua, thậm chí thua đậm, sẽ khiến hàng triệu người Việt thấy hổ thẹn, đó là điều lợi bất cập hại.

 

Về kinh phí, tôi cho rằng 150 triệu USD không đủ tổ chức Asiad, tối thiểu kinh phí thực tế cũng phải gấp đôi, thậm chí gấp 3 con số đó. Khi ta đã đăng cai, sẽ ở vào một thế rất khó. Các tổ chức thể thao châu lục sẽ đến kiểm tra, chúng ta phải đạt những điều kiện, tiêu chuẩn của họ chứ không phải ta có gì thì dùng cái đó. Một mối mâu thuẫn lớn là chúng ta muốn thể hiện sự phát triển của đất nước, lòng nhiệt tình, chu đáo với bạn bè thì phải chi nhiều tiền, còn nếu làm quá tiết kiệm thì lại dễ thiếu chu đáo, khiến hình ảnh của nước ta trong mắt bạn bè không được đẹp.

Trình độ quản lý kinh tế thể thao của chúng ta đang ở mức rất thấp, chúng ta chưa biết khai thác các sự kiện thể thao để mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều công trình thể thao đang bị khai thác kém hiệu quả, thậm chí tốn nhiều tiền bạc để duy tu bảo dưỡng… Nếu bây giờ bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để xây mới các công trình, thì chúng ta càng lãng phí”.

Về câu hỏi “Thời điểm nào thích hợp cho VN đăng cai Asiad?”, ông Dương Nghiệp Chí trả lời: “Chúng ta nên dồn tiền đầu tư TDTT học đường và đào tạo VĐV trẻ. Nếu việc này được làm quyết liệt ngay từ bây giờ, thì 20 năm nữa chúng ta sẽ có một nền thể thao học đường phát triển toàn diện, có được những nền tảng đào tạo VĐV căn cơ. Sau quá trình đầu tư, xây dựng trong 20 năm đó, cần thêm 10 năm nữa để “tăng tốc”, chạy nước rút nhằm chuẩn bị cả về cơ sở vật chất và nền tảng TDTT để thi đấu đạt thành tích cao ở các môn phổ biến tại Asiad.

 
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Asiad đòi hỏi kinh phí lớn - Ảnh: Ngô Nguyễn

 

 

Một điều cần lưu ý là chúng ta nên có một “cột mốc” để chuẩn bị, do đó cũng nên đặt ra một ngưỡng là năm 2031 hay 2035 sẽ đăng cai, và cần một thời gian biểu, sau đó sẽ làm gì, trong khoảng thời gian nào, để đạt từng chặng một. Nếu không có một kế hoạch tổng thể như vậy thì 30 năm hay 50 năm nữa đăng cai, chúng ta cũng khó mà đạt được kết quả tốt”.

Káp Long (ghi)

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.