Người đưa ra khái niệm “Công nghệ giáo dục” và triển khai (ở dạng thực nghiệm) công nghệ giáo dục ở VN là GS-TS khoa học Hồ Ngọc Đại. Quan trọng hơn cả là triết lý nền tảng của công nghệ giáo dục, đó là phải làm sao công nghệ ấy bảo đảm được khi đi học, trẻ em vừa chiếm lĩnh được tri thức, tức là học được, vừa nhận thấy, một cách tự nhiên, rằng đi học là hạnh phúc, chiếm lĩnh tri thức là hạnh phúc.
Công nghệ giáo dục có mặt ở VN năm 1978 với sự ra đời trường Thực nghiệm tại Giảng Võ, Hà Nội. Đến năm 1985, trường Thực nghiệm được phép mở rộng ra các tỉnh đăng ký triển khai. Năm 1990, đề tài quốc gia Công nghệ giáo dục được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục. Đến năm 2001, Công nghệ giáo dục đã mở ra 43 tỉnh và thành phố. Nhưng sau đó phải dừng lại vì luật Giáo dục quy định “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”.
|
Công nghệ giáo dục, hiểu theo một cách đơn giản nhất, là tổ chức công cuộc giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm. Ở đó, giáo viên thiết kế, học sinh thi công, thầy tổ chức trò hoạt động thay cho giáo viên giảng giải học sinh nhắc lại.
Phương pháp giáo dục không phải là cách giảng dạy mà là phương pháp để trẻ em chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh đối tượng khoa học, đi lại con đường nhà bác học đã đi, đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi, không buộc trẻ tiếp nhận chân lý có sẵn. Nguyên lý của phát triển bài học là đi từ trừu tượng đến cụ thể, rồi nâng các nấc thang trừu tượng kế tiếp nhau để đi đến trình độ ngày càng cao hơn. Từ phát triển hiện thực vật chất đến phát triển tư duy trong tâm lý và khái niệm. Rồi từ phát triển trong hợp tác với thầy giáo đến phát triển độc lập, từ trong giáo dục nhà trường đến ngoài khuôn khổ nhà trường...
Công nghệ này muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thầy đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu.
Mong kết thúc gần 40 năm... thí điểm
Chỉ có điều đáng buồn là 35 năm mô hình công nghệ giáo dục vẫn chỉ dừng ở mức thí điểm và đến nay chỉ có duy nhất Trường PTCS Thực nghiệm, trực thuộc Viện Khoa học giáo dục VN, đang tiếp tục thí điểm mô hình này. Năm học vừa qua, việc người dân thủ đô xếp hàng từ nửa đêm và rồi xô đổ cánh cổng trường này để mong mua được một lá đơn cho con “ứng thí” vào lớp 1 của trường đã một lần nữa khiến dư luận dấy lên câu hỏi lớn: Tại sao không nhân rộng mô hình thực nghiệm để người dân thoát khỏi cảnh phải chen nhau thi vào lớp 1?
Nói về “đứa con” của mình, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Có thể trong số những người xô đổ cánh cổng trường ấy, có người chỉ nghe đồn về những cái tốt, cái hay, cái ưu việt của trường Thực nghiệm. Nhưng cái người dân mắt thấy, tai nghe là nền giáo dục hiện hành đã khiến họ mất đi niềm tin khi phải chứng kiến con cái mình còng lưng cõng những cặp sách nặng hơn trọng lượng cơ thể đến trường, rồi học thêm, rồi o ép chuyện này chuyện khác…Và tất nhiên, họ cho rằng chắc chắn mô hình thực nghiệm không thể tồi tệ hơn những gì họ đã thấy”.
Phân tích những điểm khác biệt và tính ưu việt của mô hình thực nghiệm, ông nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là trẻ con lớn lên ở đây được tôn trọng. Cái nổi bật của mô hình thực nghiệm là tôn trọng trẻ con bằng thái độ và công việc. Tri thức đưa đến cho trẻ là tri thức rất hiện đại, rất cơ bản và không có sự so sánh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác. Đứa trẻ nào cũng được tôn trọng. Không chỉ những học sinh giỏi toán, giỏi văn mới được tôn trọng, trẻ tập thể dục giỏi cũng được tôn trọng”.
Là người luôn “đi tìm” cách tiếp cận khác với trẻ em, ông luôn tâm niệm phải “hiểu trẻ con để dạy trẻ con”. Ông cho rằng, hiểu lầm lớn nhất xưa nay là cứ bắt trẻ con phải làm theo mình, nếu làm trái ý là coi như sai. “Đáng lẽ khi trẻ con hiểu sai ý mình, thì phải tìm hiểu cái lý của nó là gì? Trẻ con không có âm mưu, chỉ suy nghĩ trên cơ sở chính nó, vì lợi ích cơ bản của nó, vì sự sống của nó chứ nó không tính về phía anh. Nhưng người lớn thì cái gì cũng tính về mình. Hai cách tính khác nhau, nên vênh. Trẻ con phải hồn nhiên, vui tươi, không có gì đau khổ, vì ở vào lứa tuổi đó, chúng không đáng phải đau khổ”, ông nói.
GS Hồ Ngọc Đại còn tâm niệm: “Tôn trọng cuộc sống thật của trẻ con là cái sâu sắc nhất và nên làm với trẻ con. Công nghệ giáo dục không có thi đua, không có xếp loại, không có nhất, nhì, ba, tư…; trẻ không chỉ được tôn trọng, trẻ còn được giáo dục để phát triển tư chất của từng em. Cách suy nghĩ và quan hệ trong cuộc sống của trẻ con cũng được thay đổi. Trẻ đã tự trọng thì không thể hư được”. Triết lý giáo dục của ông gói gọn trong một câu, đó là “tiểu học thuần Việt, đại học phải hội nhập”. Tiểu học phải thuần Việt vì nó tiếp nối quá trình giáo dục của gia đình. Lên trung học thì điều đó không còn làm được nữa, đồng thời là cơ hội đầu tiên để tiếp xúc với nền văn minh hiện đại.
Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có nội dung thay đổi về chương trình - sách giáo khoa phổ thông để áp dụng sau năm 2015. Nhiều người tâm huyết với giáo dục nước nhà đang mong mỏi rằng, đây là cơ hội để Công nghệ giáo dục chấm dứt gần 40 thí điểm để có thể chắt lọc những gì tốt đẹp nhất triển khai và áp dụng đại trà.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.
|
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)