Giáo sư Kanda Yoshinobu: Kinh doanh vì đại nghĩa là nguồn động lực để phát triển

29/11/2013 06:05 GMT+7

“Ở Nhật Bản, ngay từ thời Edo (kéo dài từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19), việc kinh doanh đúng đắn mang tính xã hội, vì đại nghĩa đóng góp cho con người và xã hội được tiến hành ngay cả trong giới thương nhân. Ngay cả thời kỳ Minh Trị (cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), tinh thần đại nghĩa trong buôn bán làm ăn cũng được các nhà kinh doanh tiêu biểu của đất nước chúng tôi áp dụng trong thực tiễn”.

Giáo sư Kanda Yoshinobu: Kinh doanh vì đại nghĩa là nguồn động lực để phát triển

Giáo sư Kanda Yoshinobu  - Ảnh: Trung Nguyên cung cấp

Giáo sư Kanda Yoshinobu, ĐH Kagoshima (Nhật Bản) đã chia sẻ về một trong những bí quyết trỗi dậy của xứ sở mặt trời mọc tại Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt do T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Trung Nguyên chủ trì tổ chức ngày 23.11 vừa qua ở Dinh Thống Nhất, TP.HCM.

Khi gặp gỡ chúng tôi, Giáo sư Kanda Yoshinobu chia sẻ thêm: “Ở đất nước chúng tôi, phương thức điều hành kinh doanh luôn coi trọng người lao động, có tinh thần cống hiến cho xã hội một cách mạnh mẽ và thường xuyên. Nhờ đó đã có không ít công ty từ quy mô rất nhỏ phát triển thành tập đoàn lớn và đều phát triển bền vững. Ngược lại, những công ty bóc lột thậm tệ người lao động, dù có đạt được sự phát triển nhất thời, dù trở thành công ty lớn nhưng sau đó đều bị phá sản”.

Dứt khoát không thể vì tư lợi

 

Công việc kinh doanh là công việc vì đại nghĩa, là công việc phải đúng đắn mang tính xã hội, vì con người, vì nhân loại. Lao động, làm việc trên tinh thần đại nghĩa là nguồn động lực để phát triển

Theo ông, đối với các quốc gia đang phát triển, kinh doanh vì đại nghĩa, có tinh thần cống hiến cho xã hội là vấn đề đặc biệt phải chú trọng xây dựng và phải luôn khuyến khích nhân rộng?

Tôi cho rằng vấn đề bạn nêu ra là hoàn toàn đúng đắn. Kinh doanh vì đại nghĩa, có tinh thần cống hiến cho xã hội là một tiền đề quan trọng để phát triển bền vững đối với tất cả các quốc gia, không riêng gì đối với các quốc gia đang phát triển. Tập đoàn Kyocera (chuyên sản xuất các linh kiện chính trong ngành điện tử) hùng mạnh từ một công ty nhỏ bé ban đầu. Ông Inamori Kazuo (sáng lập Kyocera, là một nhà kinh doanh được cả thế giới biết đến vì đã làm sống lại hãng hàng không Nhật Bản - Japan Airlines) có được thành công vì ông luôn thực hiện quan niệm công việc kinh doanh phải đúng đắn, mang tính xã hội; lao động vì con người, vì xã hội và dứt khoát không thể vì tư lợi. Ông luôn cật vấn bản thân về động cơ kinh doanh của mình là gì, có “thiện” hay không…

Với ý nghĩa đó, tôi có thể nói rằng công việc kinh doanh là công việc vì đại nghĩa, là công việc phải đúng đắn mang tính xã hội, vì con người, vì nhân loại. Lao động, làm việc trên tinh thần đại nghĩa là nguồn động lực để phát triển. Tôi cảm thấy vui mừng khi ở đất nước các bạn đã xuất hiện những doanh nghiệp, điển hình như Trung Nguyên trong quá trình phát triển của mình đã luôn nỗ lực và đóng góp nhiều công sức, tâm huyết khơi dậy sức mạnh ý chí, khát vọng, khơi dậy tinh thần quốc gia, dân tộc và sáng tạo trong mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm hiện thực hóa khát vọng nước Việt hùng mạnh, thịnh vượng. Càng vui mừng hơn khi Ủy ban Tác động học thuật của Liên Hiệp Quốc đánh giá cao những sáng kiến và hành động của Trung Nguyên và triển khai sáng kiến này tại nhiều quốc gia trong thời gian tới, đặc biệt là sẽ chú trọng vào khu vực ASEAN. Bản thân tôi cũng rất mong muốn được đóng góp vào những hành động ý nghĩa của Hành trình vì Khát vọng Việt năm 2014.

Học tập để hiểu được “nghĩa lớn”

 

Tặng sách “Khuyến học” cổ vũ tinh thần “Người khác làm được - Ta làm được”

Hành trình Sáng tạo vì Khát vọng Việt năm 2014 sẽ bổ sung cuốn “Khuyến học” vào “Tủ sách thành công làm giàu bền vững” để tặng các bạn trẻ Việt Nam nhằm cổ vũ tinh thần “Người khác làm được - Ta làm được”. Giáo sư Kanda Yoshinobu chia sẻ: “Người Nhật chúng tôi đã tạo ra văn hóa tất cả mọi người dân đều học tập cao độ từ thời Minh Trị, đặc biệt cuốn sách Khuyến học của ông Fukuzawa Yukichi đã viết về tinh thần hiện đại hóa cho đất nước Nhật Bản. Tôi rất mong muốn các bạn đọc và cùng suy nghĩ về những điều ông ấy đã viết, nhất là suy nghĩ về tinh thần độc lập, ý chí tự cường và tinh thần đua tranh của người Nhật”.

Làm sao có thể xây dựng được tinh thần đại nghĩa trong kinh doanh, mỗi người đều có thể hiểu được “nghĩa lớn” để tạo nên được sức mạnh và sự thành công?

Tôi xin kể tiếp câu chuyện về Kyocera để các bạn có thể hình dung. Đó là nhờ quá trình học tập mà nhân viên của Kyocera hiểu được “nghĩa lớn”, có thể suy nghĩ được vai trò thực sự mang tính xã hội của bản thân, có thể biết được sự tuyệt vời của quá trình lao động mang tính xã hội đúng đắn. Nhờ học tập mà họ biết coi trọng sự đoàn kết, sức mạnh của việc hợp tác với toàn thể mọi người. Nhờ học tập mà họ tạo được nguồn năng lượng to lớn cho sự thành công của công ty. Nhờ học tập mà họ làm việc không vì lợi ích riêng của từng cá nhân, không vì ham muốn dục vọng của riêng mình.

Như các bạn đều biết, Nhật Bản đã mất tất cả bởi chiến tranh nhưng tấm lòng của người dân Nhật Bản vẫn còn đó. Đó là lòng ham muốn học tập cao độ ở trong mỗi người. Sau chiến tranh, mọi người dân Nhật Bản đã tạo nên không khí mang tính văn hóa là tất cả mọi người đều học tập. Tôi nghĩ các bạn cũng cần xây dựng, nuôi dưỡng cho mình lòng ham muốn học tập cao độ, dấn thân cho những khát vọng lớn.

Nếu như một bạn trẻ chia sẻ với ông về chuyện trở ngại khó khăn khi khởi nghiệp cho bản thân, ông sẽ nói với bạn đó điều gì?

Bước đầu khởi nghiệp chẳng bao giờ dễ dàng với bất kỳ ai. Tôi mong muốn các bạn trẻ có sự đam mê, ý chí và lòng khát khao hướng đến tinh thần đại nghĩa. Ở bất kỳ đâu cũng không thể cứ thụ động, cứ mãi ngồi chờ cơ hội được hỗ trợ mà các bạn phải tự đặt ra thách thức, đối mặt với nó để tiến lên.

Giáo sư Kanda Yoshinobu là người nghiên cứu về giáo dục, đặc biệt là giáo dục ở địa phương, nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, ông đã nghiên cứu gần 20 năm nay và mỗi năm sang Việt Nam nhiều lần để tìm hiểu và đề xuất làm cách nào cho các vùng nông thôn phát triển giáo dục gắn liền với kinh tế, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ… 

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của địa phương, Giáo sư Kanda Yoshinobu đã bỏ tiền ra xây dựng Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản tại Nam Định để đào tạo các học sinh, sinh viên khu vực đồng bằng sông Hồng nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, ông đã tiếp nhận và đào tạo các học sinh của Brazil, New Zealand, Argentina, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan...

Giáo sư Kanda Yoshinobu: Kinh doanh vì đại nghĩa là nguồn động lực để phát triển1

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.