Giáo sư Ngô Bảo Châu thăm và giao lưu với giảng viên, sinh viên ĐH Duy Tân

26/04/2017 14:40 GMT+7

Ngày 24.4, giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu đã đến thăm và giao lưu với giảng viên, sinh viên ĐH Duy Tân.

Trước nhiều hoạt động tâm huyết cùng việc đưa ra các bản tổng kết thiết thực vì một nền giáo dục Việt Nam phát triển trong tương lai của GS Ngô Bảo Châu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã mời GS Ngô Bảo Châu làm Trưởng nhóm tư vấn về Đổi mới Giáo dục ĐH của Bộ để tìm hiểu về giáo dục Việt Nam.

Với những am hiểu nhất định về giáo dục Việt Nam và thế giới, GS Ngô Bảo Châu - Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã đến thăm và làm việc với ĐH Duy Tân để khảo sát về một mô hình đào tạo hiệu quả, đạt nhiều thành tựu trong hơn 22 năm xây dựng và phát triển vào ngày 24.4.2017. GS Ngô Bảo Châu - Chủ nhân của Giải Fields - giải thưởng Toán học cao quý nhất thế giới cùng GS Nguyễn Hữu Dư - Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã giao lưu và trả lời nhiều câu hỏi của giảng viên và sinh viên ĐH Duy Tân.

GS Ngô Bảo Châu làm việc với đội ngũ lãnh đạo và giao lưu cùng giảng viên, sinh viên ĐH Duy Tân
GS Ngô Bảo Châu làm việc với đội ngũ lãnh đạo và giao lưu cùng giảng viên, sinh viên ĐH Duy Tân

Sau bản báo cáo khái quát của TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân về quá trình phát triển và thành tích của thầy - trò trong trường, GS Ngô Bảo Châu đã rất quan tâm đến vấn đề tự chủ ĐH, hợp tác quốc tế và kết quả nghiên cứu khoa học mà ĐH Duy Tân đã đạt được trong thời gian qua. Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân đã thẳng thắn chia sẻ rất nhiều vấn đề mà GS Ngô Bảo Châu quan tâm: “ĐH Duy Tân có những chiến lược cũng như bước đi thực sự khác biệt so với các ĐH khác trong suốt quá trình xây dựng trường. Trong khi nhiều trường vẫn còn dò dẫm tìm hướng đổi mới thì từ năm 2008, ĐH Duy Tân đã hợp tác với ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) để tiếp nhận chuyển giao các chương trình đào tạo về Công nghệ Thông tin. ĐH Carnegie Mellon được biết đến là trường ĐH danh tiếng nằm trong Top 4 trường ĐH hàng đầu về Công nghệ Thông tin của Mỹ (theo U.S. News 2017), do vậy ký kết với ĐH Carnegie Mellon là một việc không đơn giản ở thời điểm đó. Dù vậy, với nỗ lực cùng quyết tâm phải “bắt tay” với các ĐH có uy tín, chất lượng trên thế giới, ĐH Duy Tân đã thành công với ký kết quan trọng đầu tiên cùng Trường ĐH Carnegie Mellon và mở ra cơ hội tiếp cận và hợp tác với 2 trường ĐH khác là ĐH Bang Pennsylvania và ĐH Bang California ở Fullerton và Cal Poly, San Luis Obispo (CSU - CalState) để nhận chuyển giao toàn diện các chương trình đào tạo về quản trị kinh doanh, du lịch, kiến trúc và xây dựng.

Việc tự chủ ĐH vốn mới mẻ với các trường công nhưng với các trường ngoài công lập như ĐH Duy Tân thì lại là vấn đề… rất cũ. Chính việc tự chủ ngay từ những ngày đầu thành lập đã giúp ĐH Duy Tân tự lên nhiều kế hoạch, không phụ thuộc để dù gặp phải nhiều sóng gió trong tuyển sinh, trong thay đổi mô hình đào tạo, trường vẫn luôn đứng vững trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Việc tự chủ và có thể ra quyết định rất nhanh mọi vấn đề giúp ĐH Duy Tân dám mạo hiểm để thay đổi về “chất”, đưa ra chính sách thu hút nhân tài để “chiêu mộ” những cán bộ, giảng viên là những trí thức chất lượng cao trở về từ các nước có nền giáo dục phát triển. Sự nhạy bén đó đã giúp Duy Tân phát triển toàn diện không chỉ trong công tác đào tạo mà còn về nghiên cứu khoa học với 486 công bố quốc tế trên các tạp chí ISIScopus, tính ở thời điểm hiện tại, đồng thời, đã và đang tiếp tục triển khai 20 đề tài Nafosted cùng nhiều nghiên cứu khác do nước ngoài tài trợ, các đề tài cấp Bộ, tỉnh, thành phố. Mong muốn hiện tại của ĐH Duy Tân cũng như của bất kỳ trường ĐH ngoài công lập nào khác hiện nay là sự bình đẳng. Bình đẳng trong “rót” kính phí hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học, bình đẳng trong tuyển sinh, trong học thuật… Và hơn cả, đó là việc tạo môi trường để có những ĐH mạnh, không phân biệt “công - tư”, có đủ nội lực để phát triển, có cơ hội mở rộng đào tạo và có thành quả nghiên cứu để lớn mạnh hơn nữa”.

Mục tiêu trong thời gian tới của ĐH Duy Tân là đến năm 2020, trường sẽ có một số ngành kiểm định đạt các chuẩn quốc tế như ABET, ACPHA, ACBSP của Mỹ. Đồng thời, mục tiêu, đến năm 2022, trường phấn đấu nằm trong Top 300 trường ĐH của châu Á (theo Time Higher Education) đã được GS Ngô Bảo Châu rất quan tâm và ghi nhận. Theo GS Ngô Bảo Châu thì một trường ĐH, ngoài nhãn quan thực tế để có những hướng đi đúng đắn cần phải có ước mơ và một quyết tâm lớn. Đó chính là khởi điểm cho mọi nỗ lực cũng như phát triển của nhà trường sau này.

GS Ngô Bảo Châu ký tặng sinh viên và đông đảo giảng viên, sinh đặt câu hỏi tại buổi giao lưu
GS Ngô Bảo Châu ký tặng sinh viên và đông đảo giảng viên, sinh đặt câu hỏi tại buổi giao lưu

Ngay buổi chiều cùng ngày, GS Ngô Bảo Châu đã giao lưu với đông đảo giảng viên và sinh viên Duy Tân. Rất nhiều những câu hỏi thực tế về học tập, về chức danh, về nghề nghiệp đã được gửi tới vị giáo sư đáng kính.

Trả lời câu hỏi của TS Nguyễn Thế Dương - Trưởng khoa Xây dựng, ĐH Duy Tân về chức danh GS, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Quan niệm về chức danh GS của Việt Nam và thế giới rất khác nhau. Trong khi Việt Nam trao chức danh GS với hàm ý thiên về danh dự thì ở nước ngoài, chức danh GS mang nhiều trọng trách, nhiệm vụ hơn. Khi một khoa trong trường bị trống vị trí GS, khoa đó sẽ phải tìm mọi cách để tuyển. Trên cơ sở danh sách ứng tuyển của các GS, trưởng khoa sẽ viết thư, gọi điện nhờ đánh giá khả năng của từng GS và quyết định lựa chọn vị GS phù hợp nhất với khoa với sự thông qua của hiệu trưởng. Bởi vậy, GS nước ngoài không chỉ giỏi chuyên môn, họ còn mang trên mình nhiều trọng trách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo của toàn khoa, tạo uy tín cho trường. Ở nước ta, không nên dừng lại ở việc chỉ quan tâm đến GS đã có bao nhiêu công bố khoa học hay viết được bao nhiêu cuốn sách mà nên chú trọng nhiều hơn việc khi được trao chức danh, các GS sẽ đóng góp như nào về nghiên cứu khoa học, hướng dẫn đồ án tốt nghiệp tiến sĩ của các nghiên cứu sinh…

Giải đáp câu hỏi của các bạn sinh viên về học toán cùng việc phải học nhiều các môn học trong khi thực tế nghề nghiệp lại không sử dụng, GS Ngô Bảo Châu khẳng định: “Không có phương pháp học toán chung cho tất cả mọi người. Mỗi người có cách tiếp cận khác nhau như có người học toán vì thấy toán dễ, có người lại muốn chinh phục nó. Riêng bản thân mình khi thi vào chuyên toán bị trượt thì thấy toán rất khó, thấy lòng tự tin bị tổn thương. Nhưng thách thức và khó khăn đó đã giúp bản thân càng thích toán và quyết tâm học môn này. Về quan niệm lên ĐH thì không nên học những kiến thức từ phổ thông bởi khi ra trường cũng không phục vụ cho công việc của sinh viên là cách hiểu chưa đúng. Bởi chỉ kiến thức nghề nghiệp của ngày hôm nay chưa hẳn phù hợp và theo kịp với nhu cầu của công việc trong tương lai. Bởi vậy, chúng ta học để trang bị một phông kiến thức rộng, để chuẩn bị cho những thay đổi của ngày mai, để có thể thích nghi với mọi sự biến động của cuộc sống.

GS Ngô Bảo Châu đã rất quan tâm đến những câu hỏi liên quan đến việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh chọn nghề theo cảm tính, theo dư luận xã hội mà không biết mình thật sự yêu thích công việc gì nên sau khi vào ĐH dễ dẫn đến chán nản. Do đó các cơ quan đơn vị liên quan phải cùng các trường ĐH thành lập các câu lạc bộ, các nhóm hướng nghiệp để hỗ trợ, giúp đỡ các em tìm hiểu nghề nghiệp và lựa chọn được ngành học phù hợp. Theo đó, ngay bản thân các trường ĐH cũng cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo… để tạo cơ hội canh tranh khi đất nước ngày càng hội nhập.

Chia sẻ của GS Nguyễn Hữu Dư về ngành toán tại buổi giao lưu cũng làm nức lòng những sinh viên yêu thích toán học tại ĐH Duy Tân: “Những năm gần đây, ngành toán đã được đánh giá rất cao, đặc biệt là sau khi GS Ngô Bảo Châu đạt Giải thưởng Fields. Toán học cũng đã đạt những thứ hạng rất cao như: ở Đông Nam Á, toán học Việt Nam đứng thứ nhất sau khi vượt qua Singapore, ở châu Á chúng ta đang cũng ngang tầm với Hàn Quốc. Đây cũng là ngành duy nhất mà Việt Nam tiếp cận với tầm cao của quốc tế. Những thành tích ban đầu này chính là sự khích lệ giúp giáo dục Việt Nam có những đổi mới toàn diện để có thể bước sang một trang mới, tiến bộ và phát triển hơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.