Sau khi công trình nghiên cứu được công bố tại Việt Nam, hai học giả đã dành cho Báo Thanh Niên một cuộc phỏng vấn trực tuyến nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề trên với thông điệp "Trẻ em ở đâu cũng cần được vui chơi tự do"...
* Theo ông, bà thì phát hiện nào là có giá trị nhất trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu này?
- Chúng thôi thật sự ngạc nhiên khi các bà mẹ hầu hết đồng tình với nhau, đặc biệt họ cùng nghĩ rằng trẻ em ngày nay đang mất dần đi một tuổi thơ được vui chơi tự do đúng nghĩa. Họ lo lắng đến việc họ không có đủ thời gian để chơi với con trẻ, lo lắng về sự an toàn của con và họ cần phải bảo vệ con. Chúng tôi cũng ngạc nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy việc xem TV lại là hoạt động chủ yếu trong các hoạt động mà trẻ em tham gia.
* Xin ông, bà cho biết những nhận xét về tình hình trẻ em vui chơi tự do và học trải nghiệm tại VN, so sánh với các nước khác thông qua cuộc nghiên cứu như thế nào?
- So với các nước khác trên thế giới, trẻ em tại Việt Nam ít chơi các trò như diễn nhập vai, khám phá thiên nhiên, các trò chơi cảm giác mạnh. Chúng chỉ chơi các trò chơi thành từng nhóm nhỏ, khi chơi thể thao hoặc các hoạt động được cha mẹ theo dõi. Các bà mẹ tại Việt Nam biết giá trị của việc học trải nghiệm tuy nhiên họ lo lắng khi cho con ra ngoài chơi. Họ biết con họ rất hạnh phúc khi chúng có thể được chơi ngoài trời, ở sân chơi hay công viên.
Tiến sĩ Jerome L.Singer và tiến sĩ Dorothy G.Singer là Giáo sư danh dự và Nhà khoa học nghiên cứu cao cấp thuộc khoa Tâm lý, trường Đại học Yale, Mỹ. Hai vị đã từng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, hàng chục tác phẩm sách, hàng trăm bài báo về vấn đề vui chơi và phát triển của trẻ em. Nghiên cứu toàn cầu "Hãy để trẻ tự do vui chơi" được thực hiện đầu năm 2007 thông qua khảo sát với 1.650 bà mẹ có con dưới 12 tuổi bằng hình thức đối thoại trực tiếp về quan điểm của họ đối với vấn đề "tự do vui chơi" của con mình. Các cuộc phỏng vấn đã được tiến hành tại 11 quốc gia (mỗi quốc gia 150 bà mẹ) bao gồm: Mỹ, Argentina, Brazil, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Nam Phi và Việt Nam.
* Đứng trên góc độ nhà tâm lý học và nghiên cứu, xin ông bà cho biết ý nghĩa xã hội của nghiên cứu này trên 10 quốc gia trong đó có Việt Nam?
- Chúng tôi có thể vẽ ra một bức tranh rõ ràng về thái độ của các bà mẹ trong việc học trải nghiệm, mối bận tâm của họ đối với sự an toàn cũng như lấm bẩn trong khi vui chơi của con mình. Một ý nghĩa quan trọng khác chính là nghiên cứu đã phản ánh nhận thức của các bà mẹ về lợi ích xã hội có được từ việc học trải nghiệm và những tác dụng mà việc này đem lại cho con em họ. Kể cả những mong muốn sao cho con họ có nhiều hoạt động xã hội và những sân chơi đủ tiêu chuẩn và an toàn giúp con họ phát triển các kỹ năng cần thiết, cho một tuổi thơ lành mạnh và sự trưởng thành toàn diện trong tương lai.
* Ông, bà có thể cho lời khuyên đối với các bà mẹ VN?
- Trẻ em nên vui chơi ngoài trời tối thiểu là 1 giờ và hơn thế vào ngày nghỉ cuối tuần. Nếu có điều kiện các bà mẹ có thể chơi với con trẻ trong vòng 10 đến 20 phút một ngày. Người mẹ hãy để cho trẻ vui chơi theo cách của chúng, không nên can thiệp vào mà chỉ nên giám sát. Nên tăng cường cho con chơi các trò chơi vận động, tiếp xúc với thiên nhiên, kể cả những trò chơi có thể làm cho đứa trẻ lấm bẩn nhưng có ích cho nhận thức và việc rèn luyện kỹ năng của trẻ.
* Quan điểm của ông, bà về sự hỗ trợ xã hội (đối với các nước đang phát triển) trong việc tạo điều kiện cả về thời gian và chất lượng vui chơi cho trẻ em? Một công trình điển hình có thể áp dụng tại Việt Nam?
- Sân chơi dành cho trẻ em có thể được tìm thấy ở rất nhiều quốc gia phát triển tại phương Tây. Những công trình này sẽ đem lại cho trẻ cơ hội học tập từ thực tiễn. Ở những sân chơi đó, trẻ em được vui chơi, sáng tạo nghệ thuật, chơi các trò chơi mang tính vận động như leo trèo hoặc tiếp xúc với nước, cát... Sự hỗ trợ của chính phủ cũng như nguồn tài trợ từ các tổ chức cá nhân sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào việc mở rộng các loại hình vui chơi này tại các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cha mẹ, các thầy cô giáo, và cả các thành phần xã hội khác có liên quan cần ý thức rằng, trẻ em ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này đều cần được vui chơi tự do để phát triển toàn diện.
Thanh Tùng - Bảo Thiên
Bình luận (0)