GS Trần Hồng Quân luôn chủ động đặt câu hỏi và tôi phải lo tìm câu trả lời về các mô hình, vấn đề giáo dục của các nước phát triển. Quan tâm và ưu tư lớn nhất của anh là tìm mô hình phù hợp để phát triển giáo dục ĐH.
Tôi gặp anh lần đầu vào năm 2016, khi đoàn Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) chúng tôi thăm Việt Nam. Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam, anh tiếp và trao đổi với chúng tôi như một người bạn, người anh, người thầy, chia sẻ thông tin rất hữu ích về hệ thống và các vấn đề giáo dục, thể hiện sự quan tâm chân tình và trân quý của anh với công việc của đoàn Việt-Mỹ chúng tôi. Anh chia sẻ sự đam mê của một nhà khoa học, quan tâm của nhà khoa học về các chương trình ứng dụng và kỹ thuật, và tư duy của một nhà cải cách giáo dục về các chương trình giáo dục. Tôi quý anh từ đó.
Những năm sau này tôi có dịp về nước tham gia, sinh hoạt với anh nhiều hơn, qua các buổi hội thảo lớn nhỏ do Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam tổ chức. Tôi chia sẻ cũng như học hỏi ở anh, các anh chị và hiểu thêm rất nhiều về các vấn đề giáo dục Việt Nam từ những năm 60, 70 thế kỷ trước và đến sau này. Anh quả là cây đại thụ của giáo dục Việt Nam từ nhiều thập kỷ.
Trong lần hội thảo giáo dục tổ chức ở Phú Yên cách đây khoảng 2 năm, tôi có dịp trao đổi với anh nhiều hơn về các loại, mô hình ĐH nước ngoài mà Việt Nam có thể tiếp thu, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển công nghệ của thế giới hiện nay. Tôi chia sẻ những lo lắng và trăn trở của anh về giáo dục nước nhà.
Với tôi, GS Trần Hồng Quân là một nhà giáo xuất sắc, nhà khoa học đúng nghĩa, đầy lòng nhiệt huyết cho phát triển giáo dục.
Từ những ngày thơ bé tại xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đến những năm dạy học tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, anh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng sinh viên. Anh không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn gieo mầm những niềm đam mê, khao khát học hỏi và tình yêu quê hương đất nước.
Anh dẫn dắt Khoa Cơ khí tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và đã biến nơi đây thành cái nôi luyện tài năng cho ngành kỹ sư của Việt Nam.
Anh không chỉ giỏi về mặt chuyên môn, khoa học mà còn là một nhà lãnh đạo với tư duy chiến lược nhạy bén, và sâu sắc. Anh từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam, từ Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, Thứ trưởng Bộ ĐH và THCN cho đến Bộ trưởng Bộ ĐH, THCN và Dạy nghề rồi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Trong thời anh lãnh đạo, nền giáo dục Việt Nam ta đã trải qua nhiều cải cách đáng kể, phong phú và đa dạng hơn. Anh luôn nhấn mạnh rằng giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức, mà còn là việc hình thành nhân cách, giúp mỗi thế hệ trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước. Với tư duy chiến lược, anh đã đề xuất và thực hiện nhiều chương trình giáo dục mới, giúp nền giáo dục Việt Nam ngày càng tiến bộ và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Vĩnh biệt anh, GS Trần Hồng Quân, một người anh lớn, một nhà giáo, nhà khoa học, nhà lãnh đạo mà tôi luôn kính trọng.
Bình luận (0)