(TNO) Trước khi rơi vào hôn mê, giáo sư Trần Văn Khê đã bày tỏ nguyện vọng được nghe lại tiếng đàn tranh của người bạn tri kỷ - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.
Giáo sư Trần Văn Khê đã được tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng của thế giới và Việt Nam
vì tài năng và những đóng góp cho âm nhạc dân tộc - Ảnh: Độc Lập |
Theo chia sẻ từ Ban quản lý nhà vĩnh biệt Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), linh cữu của giáo sư Trần Văn Khê vẫn còn nằm trong phòng lạnh. Sở dĩ, gia đình chưa đưa thi hài giáo sư về bởi vì chờ các cháu của ông tề tựu đông đủ mới bắt đầu cử hành tang lễ. Dự kiến, chiều mai (25.6) gia đình sẽ đưa linh cữu ông về nhà riêng tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để làm tang lễ. Lễ tang được thực hiện theo di chúc do ông để lại hôm 5.6.
Hiện các con của ông là Trần Quang Minh, Trần Thị Thủy Tiên và Trần Thị Thủy Ngọc đã có mặt tại Việt Nam, chỉ có giáo sư Trần Quang Hải đang ở nước ngoài chưa về kịp.
Sáng nay 24.6, đại diện các cơ quan chức năng của thành phố đã họp tại nhà riêng của giáo sư để thống nhất về thời gian, địa điểm tổ chức tang lễ cũng như sắp xếp lực lượng hỗ trợ đám tang. Cụ thể, lễ viếng sẽ bắt đầu từ 12 giờ ngày 26.6. Lễ động quan bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng 29.6. Ngay sau lễ động quan, linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Hiện tại, bà Nguyễn Thị Na là người giúp việc cho giáo sư vẫn đang túc trực tại nhà để cùng các cơ quan chức năng chuẩn bị cho lễ tang. Được biết, bà Na đã bên cạnh chăm sóc giáo sư trong gần một tháng qua tại bệnh viện. Bà cũng là một trong những người luôn kề cận chăm sóc giáo sư suốt 10 năm nay. Đã có rất nhiều lời mời bà sang nước ngoài làm việc nhưng người phụ nữ này khéo léo từ chối và vẫn ở bên cạnh chăm sóc giáo sư Trần Văn Khê đến cuối đời.
Chia sẻ với Thanh Niên Online, bác sĩ Hồ Văn Hân - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết tình trạng của GS-TS Trần Văn Khê không có nhiều chuyển biến tích cực kể từ khi nhập viện vào hôm 27.5.
Giáo sư thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện tọa đàm khi còn khỏe mạnh - Ảnh: Độc Lập
|
Thời gian đầu, giáo sư vẫn nhận biết được khi con cháu vào thăm. Thậm chí, ông chảy nước mắt xúc động khi có một người cháu nắm tay và hôn lên trán. Người thân kể lại khi có học trò thân thiết đến, ông còn trò chuyện và giảng giải về văn hóa tuồng cổ một cách rất tâm huyết.
Trước khi rơi vào hôn mê, giáo sư Trần Văn Khê đã bày tỏ nguyện vọng được nghe lại tiếng đàn tranh của người bạn tri kỷ - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Vậy là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã thu âm vài đoạn độc tấu gửi đến cho tri kỷ của mình.
Những ngày trước khi qua đời, GS-TS Trần Văn Khê gần như hôn mê trên giường bệnh. Có lúc tưởng như giáo sư có dấu hiệu hồi tỉnh như vào ngày 18.6, ông có thể mở mắt nhìn con trai và có phản ứng khi được hỏi chuyện. Tuy nhiên, sau đó, ông lại tiếp tục rơi vào hôn mê và ra đi vào rạng sáng nay với chuẩn đoán suy hô hấp kéo dài khi chỉ còn đúng một tháng nữa là mừng thọ 94 tuổi (24.7).
Xót xa hơn cả là khi GS-TS Trần Văn Khê qua đời, con cả của ông - Giáo sư Trần Quang Hải đã không kịp về nhìn mặt cha lần cuối. Trước đó, khi hay tin cha bệnh nặng, Giáo sư Trần Quang Hải cùng vợ là nữ ca sĩ Bạch Yến đã tức tốc trở về bên cạnh ông. Tuy nhiên, hôm 21.6 do có việc bận, Giáo sư Trần Quang Hải đã bay về Pháp.
Dẫu vậy, những chuyện hậu sự của mình đều đã được GS-TS Trần Văn Khê chuẩn bị từ trước và cẩn thận lập bản di nguyện vào hôm 5.6.
GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.
Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO.
Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng trở thành nơi để giáo sư tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.
Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà GS-TS Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không thay đổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Buổi chia sẻ gần nhất của ông là vào ngày 25.5, trước khi giáo sư ngã bệnh.
Theo chia sẻ từ một số người thân thiết, mặc dù ở tuổi 94, mắt kém nhưng ông vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.
Giáo sư cũng là người sống nghĩa tình. Ông sống gần gũi với những người chăm sóc ông suốt nhiều năm qua. Ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Khi ông ngã bệnh, nhìn cách săn sóc hết lòng của những người thân thiết, sự lo lắng của các người học trò cũ hay những cuộc hỏi thăm liên tục về bệnh tình giáo sư cũng nói lên được phần nào tình cảm của mọi người dành cho cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc.
Giáo sư Trần Văn Khê đã được tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng của thế giới và Việt Nam vì tài năng và những đóng góp về âm nhạc dân tộc mang tính quốc tế:
Trước 1975:
+ Huân chương Bội tinh hạng I.
+ Văn hóa Bội tinh hạng I.
Sau năm 1975:
+ Giải thưởng UNESCO - CIM về Âm nhạc (1981).
+ Huân chương Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991).
+ Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Văn chương Nghệ thuật châu Âu (1993).
+ Giải thưởng Âm nhạc quốc tế Koizumi Fumio của Nhật Bản (1994).
+ Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Bộ Giáo dục Pháp (1999).
+ Huân chương Lao động hạng Nhất của Việt Nam (1999).
+ Giải thưởng Vinh danh nước Việt (2003).
+ Giải thưởng Đào Tấn (2005).
+ Giải thưởng Quốc tế của San Francisco “Đã cống hiến trọn đời cho việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam”.
+ Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2013).
+ Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh (2013).
|
Bình luận (0)