(TNO) Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 55 phút hôm nay 24.6. Ông thọ 94 tuổi.
GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013 - Ảnh: Độc Lập
|
Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, những ngày trước, GS-TS Trần Văn Khê vẫn nhận biết được khi con cháu vào thăm. Thậm chí, ông chảy nước mắt xúc động khi có một người cháu nắm tay và hôn lên trán ông.
Túc trực tại bệnh viện để chăm sóc giáo sư là người giúp việc Nguyễn Thị Na, người đã tận tình chăm sóc ông suốt 10 năm nay. Bên cạnh đó, các con của ông (hiện sống ở nước ngoài) cũng đã về VN để gần gũi, chăm sóc ông những ngày qua.
GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: Độc Lập
|
Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải cho phép PV Thanh Niên sử dụng Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê làm tư liệu cho bài viết
|
GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.
Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO.
Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng trở thành nơi để giáo sư tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.
Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà GS-TS Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không thay đổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Buổi chia sẻ gần nhất của ông là vào ngày 25.5, trước khi giáo sư ngã bệnh.
Theo chia sẻ từ một số người thân thiết, mặc dù ở tuổi 94, mắt kém nhưng ông vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.
Giáo sư cũng là người sống nghĩa tình. Ông sống gần gũi với những người chăm sóc ông suốt nhiều năm qua. Ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Khi ông ngã bệnh, nhìn cách săn sóc hết lòng của những người thân thiết, sự lo lắng của các người học trò cũ hay những cuộc hỏi thăm liên tục về bệnh tình giáo sư cũng nói lên được phần nào tình cảm của mọi người dành cho cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc.
|
Bình luận (0)