Giáo sư trẻ nhất năm 2015: Phải nỗ lực chứ không ngồi chờ vận may

12/11/2015 09:43 GMT+7

(TNO) Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Hiếu, giáo sư trẻ nhất năm nay, cho biết các nhà khoa học trẻ muốn trưởng thành thì phải tự nỗ lực chứ không thể ngồi chờ vận may.

(TNO) Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Hiếu, giáo sư trẻ nhất năm nay, cho biết các nhà khoa học trẻ muốn trưởng thành thì phải tự nỗ lực chứ không thể ngồi chờ vận may.

Giáo sư trẻ nhất năm 2015 tiến sĩ Nguyễn Văn HiếuGiáo sư trẻ nhất năm 2015 tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu
Từng có 5 năm bế tắc
Lý giải lý do trở về Việt Nam làm việc, TS Nguyễn Văn Hiếu nói: Khi ở Hà Lan, tôi từng đấu tranh tư tưởng là về hay ở lại. Nhưng các thầy hướng dẫn của tôi ở bên đó lại khuyên tôi nên trở về để đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Hồi mới về, cuộc sống của tôi và gia đình rất vất vả. Tôi vừa phải dạy học, vừa đi làm công ty để kiếm tiền. Thực ra, trong thời gian ở nước ngoài, tôi cũng tích lũy được một ít tiền, đủ để “trụ” được vài ba năm.
Nhưng về mặt khoa học thì quả là bế tắc. Suốt 5 năm đầu tôi không “xin” được một đề tài nào. Đang lúc nản lòng lắm thì năm 2009, Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời. Tôi được làm chủ nhiệm một đề tài, với mức thù lao khoảng 17 triệu đồng/tháng. Cộng thêm với lương nhà trường trả nữa, tôi đã có thể nghỉ làm công ty mà vẫn nuôi được gia đình, để chuyên tâm làm khoa học.
Ngẫm lại tôi thấy việc về nước của mình là rất “được”. Ở Hà Lan, tôi làm các đề tài rất cũ, nên số lượng bài công bố quốc tế rất thấp (chỉ 3 bài). Về Việt Nam, 3 năm đầu tôi gần như không có thêm bài báo nào. Vì thế mà tôi chuyển hướng nghiên cứu và xây dựng phòng thí nghiệm mới từ con số không. Sau đó nhờ một thời gian ngắn làm postdoc ở Hàn Quốc (2007), tôi đã trưởng thành lên rất nhiều.
* Điều gì khiến anh vẫn nuôi hy vọng về con đường khoa học của mình trong quãng đường 5 năm đầu tiên khi trở về nước?
Hồi đó, tôi được tham gia một đề tài rất lớn (khi nghiệm thu được giới chuyên môn đánh giá rất cao) do GS Nguyễn Đức Chiến chủ trì. Nhờ thế, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu bảo tôi làm một đề tài với tổng chi phí đầu tư khá lớn (2 tỉ đồng). Do đó mà tôi mua được trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, lập nhóm nghiên cứu, sau đó tôi đã công bố được khá nhiều bài báo cũng như thu hút được nhiều TS trẻ có năng lực về làm việc với mình.
* Như vậy, thành công của anh có sự đóng góp rất quan trọng từ những người thầy giỏi?
Cái may của tôi là được làm việc trong một cộng đồng có rất nhiều thầy không chỉ rất giỏi mà còn rất tâm huyết, chăm lo cho sự phát triển của cộng đồng vật lý ở Việt Nam. Các thầy là những người canh cánh mối lo “tuyệt tự” cho ngành khoa học của mình nên rất tạo điều kiện cho giới trẻ chúng tôi được nghiên cứu.
* Bây giờ vai trò tìm người kế cận là trách nhiệm của thế hệ anh. Điều này có khó khăn không khi mà các TS vật lý ở nước ngoài về được mời gọi vào làm cho các doanh nghiệp với mức lương rất cao?
- Không chỉ bây giờ mà trước đây, khoa học vẫn phải “cạnh tranh” nhân lực với doanh nghiệp. Bạn tôi cũng học TS ở Hà Lan về đi làm cho doanh nghiệp lương 60 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi nghĩ cuộc sống đa dạng. Có những người thích làm việc cật lực để kiếm tiền. Nhưng cũng có những người thích ngồi yên đắm chìm trong những suy nghĩ trừu tượng, hoặc mày mò thử nghiệm - nghiên cứu để tìm ra những lý thuyết mới mẻ, vấn đề ở chỗ là chỉ cần cho họ một khoản lương để đủ nuôi gia đình. Hiện tại nhà nước cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu. Ví dụ như Quỹ Nafosted chi cho một bài báo ISI 300 triệu đồng, nếu một năm anh có 2 bài báo, nghĩa là có 600 triệu đồng, trừ đi các chi phí mua nguyên vật liệu để làm thí nghiệm thì anh vẫn có một khoản thu nhập khá ổn. Vì thế mà bên cạnh các TS đầu quân cho các doanh nghiệp thì vẫn có những TS về làm việc cho các trường ĐH, các viện nghiên cứu.
Không mong chờ vận may
* Có vẻ như anh là một người may mắn, nên cách nhìn nhận thực trạng của anh cũng tươi sáng?
- Thực ra hồi mới về Việt Nam tôi cũng rất bức xúc, khi mà những “cây đa cây đề” vẫn chiếm nhiều ưu thế trong nghiên cứu khoa học. Nhưng rồi các thầy cũng đã dần dần thay đổi suy nghĩ khi họ nhận thấy bọn trẻ làm được nhiều việc, công bố được nhiều bài báo quốc tế. Như hiện nay, quan điểm của Bộ Khoa học Công nghệ cũng rất rõ ràng là ưu tiên nhìn nhận, đánh giá công trình của các TS trẻ.
Và đến nay tôi vẫn bất bình về cách mà chúng ta đầu tư cho khoa học. Tuy gọi là "đầu tư trọng điểm” nhưng thực chất vẫn lan man, có phòng thí nghiệm nhưng thiết bị lại chưa đủ để nâng cao chất lượng và năng suất nghiên cứu, hoặc tuy đầu tư mua sắm nhiều thiết bị (thậm chí rất đắt tiền) nhưng kinh phí bảo trì, sửa chữa… không có.
Còn nếu bảo tôi may mắn thì tôi khẳng định là không. Đúng là có một số bạn vừa chân ướt chân ráo trở về đã được cơ quan trang bị cho những phòng thí nghiệm giá trị cả triệu USD. Nhưng trường hợp đó hiếm lắm. Như tôi chẳng hạn, tôi xây dựng phòng thí nghiệm cho mình từ hai bàn tay trắng. Một nhà khoa học Hàn Quốc rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tôi - một PGS - mặc quần đùi tự tay lắp đặt các thiết bị (vì tôi không có tiền để thuê người làm) cần phải tiết kiệm tiền (khi đó tôi đã được phong PGS). Sau đó ông ấy đã mua một thiết bị có giá 20.000 USD gửi sang Việt Nam tặng tôi.
Đúng là tôi may mắn vì có những người thầy giỏi và tốt, nhưng con đường mà tôi đã trải qua đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân rất nhiều, giống như hầu hết các đồng nghiệp cùng trang lứa và các bạn trẻ bây giờ. Từ đó tôi chiêm nghiệm một điều, mình cứ làm thật tốt công việc của mình đi, rồi sẽ được thành quả xứng đáng. Các bạn trẻ từ nước ngoài về mà cứ đòi hỏi nhà nước phải thế này, nhà nước phải thế kia các bạn mới làm việc được thì sẽ chẳng bao giờ các bạn làm được gì trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Được giáo sư không có nghĩa là hết phấn đấu
* Một nghịch lý là sau khi được công nhận giáo sư thì nhiều nhà khoa học lại hết động lực phấn đấu?
- Đúng vậy. Như trường hợp tôi chẳng hạn, nhiều người chúc mừng và bảo giờ còn gì để phấn đấu nữa đâu! Nhưng quan điểm của tôi thì giáo sư là một vị trí để mình làm việc, còn mình vẫn phải có những công trình đỉnh cao hơn và nhiều giờ giảng hay hơn cho sinh viên.
Theo tôi, với những người được phong giáo sư cần phải có đánh giá hằng năm. Sau 3 năm, anh không thể hiện được “đẳng cấp” giáo sư của mình thì trường ĐH sẽ không bổ nhiệm nữa, mà sẽ tìm người khác thay thế vào vị trí của anh. Phải làm sao để một nhà khoa học được phong giáo sư đã khó, làm thế nào để giữ được vị trí đó còn khó hơn.
* Xin cảm ơn ông!
TS Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1972) là người trẻ nhất trong số 52 nhà khoa học được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư năm nay. Anh tốt nghiệp ngành hóa, ĐH Tổng hợp Huế (nay là ĐH Khoa học - ĐH Huế), học cao học ngành Khoa học Vật liệu ở ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật liệu điện tử ở Trường ĐH Twente - Hà Lan. Năm 2004, anh trở về giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), ĐH Bách khoa Hà Nội. Hướng nghiên cứu chính của anh là vật liệu có cấu trúc nano dùng cảm biến (cảm biến khí và cảm biến sinh học). Anh từng được Quỹ Nafosted vinh danh là nhà khoa học trẻ có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc năm 2010. Đến nay anh và cộng sự đã công bố 85 bài trên các tạp chí quốc tế ISI...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.