Nhân dịp Giáo sư Trịnh Xuân Thuận về Việt Nam để giới thiệu cuốn sách mới Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao (Ngô Vũ và Phạm Văn Thiều dịch), Thanh Niên có cuộc trò chuyện thú vị với bậc thầy của ngành vật lý học thiên thể.
Mở đầu câu chuyện, Giáo sư Thuận chia sẻ thông tin về quyển sách sắp được giới thiệu tại VN. Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao giúp độc giả hiểu rõ những thuật ngữ thiên văn học, chẳng hạn như Big Bang là gì, hoặc thông tin cốt lõi xung quanh thiên tài vật lý Albert Einstein, thần tượng đã khai mở nguồn đam mê nghiên cứu khoa học của giáo sư từ thời đi học. Độc giả có thể lựa chọn tùy hứng bất cứ mục nào và có thể dễ dàng nắm bắt nội dung mà ông chuyển tải qua ngôn ngữ đơn giản và đại chúng. Giáo sư cũng nhắc đến tác phẩm đầu tay Giai điệu bí ẩn, cuốn mà ông tâm đắc nhất, đã giúp giới thiệu rộng rãi bản thân ông với tư cách là một nhà vật lý học thiên thể trên toàn thế giới. Giai điệu bí ẩn đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng, và giáo sư hoàn toàn hài lòng với bản dịch tiếng Việt của dịch giả Phạm Văn Thiều, người mà ông đánh giá là chuyển tải xuất sắc tinh thần các tác phẩm.
|
Hoài nghi về “siêu hạt”
Khi được hỏi về cuộc thí nghiệm cho rằng đã tìm ra “siêu hạt” neutrino di chuyển vượt quá tốc độ ánh sáng ở CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu u), Giáo sư Thuận tỏ vẻ hoài nghi về kết quả này. Từ trước đến nay, thuyết tương đối của Albert Einstein luôn cho rằng không gì có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Đó là lý do tại sao tuyên bố từ CERN khiến cả ngành vật lý chấn động. Tuy nhiên, Giáo sư Thuận đặt nghi vấn về khả năng CERN có thực sự ghi nhận được kết quả bất ngờ như vậy, hay có sai sót trong quá trình thí nghiệm? Theo giáo sư, muốn đả phá được lý thuyết của Einstein từ năm 1905 đến nay, CERN hoặc những nhóm khác phải đồng thời đưa ra kết quả giống nhau về một vấn đề trước khi được công nhận chính thức.
|
Phát hiện thiên hà lùn
Giáo sư cũng đánh giá rất cao về giải Nobel Vật lý năm nay, vốn thuộc về 3 nhà khoa học chứng minh được giả thuyết vũ trụ đang giãn nở tăng tốc. Dù hy vọng lần giật giải này có thể giúp ngành thiên văn học nhận được nguồn đầu tư thích đáng, giáo sư cho rằng diễn biến nợ công tại Mỹ và châu u có thể đe dọa đến ngân sách dành cho nghiên cứu vũ trụ. Tạm thời, phương tiện đắc lực nhất để nghiên cứu không gian hiện tại vẫn là Hubble, và may mắn là tàu con thoi Atlantis đã thực hiện thành công sứ mệnh sửa lỗi cho kính viễn vọng trị giá tiền tỉ USD hồi năm 2009.
Cũng nhờ Hubble mà Giáo sư Thuận cùng đồng sự đã có phát hiện đắc ý nhất từ trước đến nay, đó là thiên hà trẻ nhất mà ông gọi là “li ti”, hay thiên hà lùn, được ông ví von như viên gạch để xây dựng ngôi nhà lớn là các thiên hà. Theo đó, ngôi sao già nhất trong thiên hà này không quá 500 triệu năm tuổi, trong khi các ngôi sao của Dải Ngân hà đã hình thành cách đây 12 tỉ năm.
Giáo sư Thuận hy vọng kính viễn vọng James Webb, dự kiến phóng lên quỹ đạo vào năm 2018, sẽ giúp nghiên cứu kỹ càng hơn về các thiên hà thuộc dạng li ti này trong nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc hình thành của Dải Ngân hà chúng ta.
Hợp lực bảo vệ trái đất
Theo Giáo sư Thuận, toàn bộ chương trình không gian từ trước đến nay của Mỹ chỉ nhằm phục vụ mục đích chính trị chứ không phải nghiên cứu khoa học thuần túy. Ông nhận định, tại sao người Mỹ đã đặt chân đến mặt trăng vào năm 1969 mà chẳng màng đến chuyện xây dựng căn cứ lâu dài trên đó, để giờ đây ngân sách không cho phép tiếp tục chiến dịch chinh phục chị Hằng.
Bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các sứ mệnh đến sao Hỏa trong tương lai, Giáo sư Thuận cho rằng không nên hành động theo kiểu “thực dân hóa” vũ trụ như lời kêu gọi của tiến sĩ vật lý học thiên thể Stephen Hawking. Giáo sư khẳng định, ưu tiên số một hiện nay là mọi người hãy hợp lực bảo vệ trái đất, hành tinh độc nhất vô nhị, theo giới thiên văn học tính đến thời điểm này, trong vũ trụ. Sau nhiều nỗ lực, giới khoa học vẫn chưa khám phá được một hành tinh nào khác khả dĩ có thể so sánh được với quả địa cầu. Có thể đâu đó hiện diện vài dạng vi khuẩn trên một số hành tinh, nhưng không thể so được với sự sống trên trái đất.
Theo đuổi lòng đam mê vũ trụ Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948, là nhà vật lý học thiên thể người Mỹ gốc Việt. Ông tốt nghiệp Viện Công nghệ California và Đại học Princeton trước khi trở thành giáo sư ngành vật lý thiên văn học tại Đại học Virginia. Ông được vinh dự nhận giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp và sau đó là giải Kalinga năm 2009 của UNESCO về những đóng góp trong việc phổ biến khoa học vũ trụ. Giáo sư Thuận được biết đến với khả năng diễn đạt nội dung khoa học bằng ngôn từ của thi ca, và bằng sự lãng mạn của một người có tâm hồn hòa đồng với vũ trụ. Chia sẻ kinh nghiệm cho những cá nhân đam mê nghiên cứu vũ trụ nhưng chưa có điều kiện, giáo sư Thuận khuyên nên bổ sung kiến thức nền bằng những quyển sách chuyên môn như Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, trước khi tận dụng nguồn lực vô hạn từ internet. Ông cũng giới thiệu cuốn sách thuộc dạng best-seller tại Pháp sắp được chuyển ngữ sang tiếng Việt, tựa Vũ trụ và hoa sen, nội dung là hành trình truy tìm chân lý khoa học của ông trong suốt hơn 60 năm. |
Thụy Miên
Bình luận (0)